Những chuyện cướp phết, cướp hoa tre... nói trên hầu hết là do các thanh niên trẻ tuổi ở các vùng quê có phần vì mê tín và ham vui tại các lễ hội dân gian. Nhưng chuyện xô đẩy, giẫm đạp nhau để cướp “lộc Phật” lại diễn ra trong chùa Quán Sứ - ngôi chùa vốn từ lâu là một trung tâm văn hóa Phật giáo ở thủ đô - thì thật hết sức đáng buồn! Điều đáng nói là người ta đã chen nhau, xô đẩy, giẫm đạp giành giật, vơ vét “lộc Phật” trong lúc các sư còn đang tụng kinh cúng tế.
Thật ra đại lễ Vu lan của Phật giáo khởi nguồn từ truyền thuyết đệ tử của Phật Thích Ca là Mục Kiền Liên - được biết đã tu tập đắc quả A La Hán, đã luyện thành công nhiều phép thần thông, qua đó ông nhìn thấy được mẹ mình đang bị đọa làm ngạ quỷ ở địa ngục do kiếp trước làm nhiều điều ác độc, phải chịu nhiều cực hình. Mục Kiền Liên rất đau xót. Ông xin Phật tổ chỉ dạy phương cách cứu mẹ. Đức Phật bảo ông vào rằm tháng 7, hãy sắm sửa lễ vật và vận động nhiều tăng sĩ hợp lực cùng ông tụng kinh cầu nguyện mới mong mẹ được giải thoát. Phật cũng dạy ai muốn báo hiếu thì làm theo cách của ngài Mục Kiền Liên. Từ đó lễ Vu lan ra đời, thành lễ báo hiếu, là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo.
Còn theo tín ngưỡng dân gian thì rằm tháng 7 âm lịch địa ngục mở cửa, ân xá cho các vong nhân nên có lễ cúng cô hồn vào buổi chiều cho những vong linh lang thang không nơi nương tựa, không có người thân ở dương thế thờ cúng. Hầu hết gia đình theo đạo Phật hoặc thờ cúng ông bà, vào chiều tối rằm tháng 7 đều bày ra cúng cô hồn với các lễ vật thường rất đơn giản như hoa quả, bánh kẹo, chè và cháo loãng. Tôi nhớ lúc nhỏ ở quê, chiều tối rằm tháng 7 cùng đám trẻ trong xóm rủ nhau đến các nhà cúng cô hồn có thầy chùa tụng kinh, chờ thầy tụng gần xong, gõ chuông leng keng là cả đám nhào vô giựt đồ, hầu hết là những món rẻ tiền nhiều khi không ăn được, nhưng đứa nào cũng vui hớn hở. Chỉ có đám con nít ham vui thôi chứ không có người lớn nào giựt đồ cúng như những hình ảnh vừa qua ở chùa Quán Sứ! Còn mấy nhà giàu trong làng họ cúng cô hồn trong sân vườn với mâm cỗ đầy đủ lắm nhưng họ đóng cổng lại, không cho đám con nít giựt đồ cúng vì sợ bể chén bát kiểu đắt tiền. Thường thì cúng xong họ mở cửa kêu đám con nít tới phân phát, nhưng nhiều đứa trong đó có tôi, không thèm đến lấy, vì chủ yếu giựt đồ là ham vui thôi. Nhiều người bảo rằng cúng cô hồn mà không có đám “cô hồn - con nít” giựt thì mất linh!
Sự trùng hợp ngày tháng giữa đại lễ Vu lan báo hiếu với ngày xá tội vong nhân đã mặc nhiên hợp nhất. Bởi Phật giáo là một tôn giáo hòa đồng, hòa hợp, hòa nhập với các nền văn hóa dân tộc bản địa mà đạo Phật du nhập. Lễ Vu lan báo hiếu được các nhà sư tụng kinh, cúng tế chung với lễ cúng cô hồn thí thực trong ngày xá tội vong nhân thể hiện điều đó. Nhưng̣ nhiều người lợi dụng, biến tướng “văn hóa tâm linh” thành mê tín dị đoan, không ít nhà sư kiêm luôn thầy bói, thầy địa lý... coi ngày giờ tốt xấu khai trương làm ăn, cưới hỏi; cho “cái phép” mua may bán đắt, coi hướng đất cất nhà...
Tâm linh vốn dĩ là phạm trù nhạy cảm, nhiều người ngại đụng chạm đến, vì vậy mà hiện nay nó trở thành “mảnh đất màu mỡ” để nhiều người lợi dụng.