Chuyên gia Mỹ:

Nhật Bản có thể cùng Mỹ tuần tra biển Đông

Theo Japan Times, các tuyến đường thương mại trên biển Đông là huyết mạch đối với nền kinh tế Nhật Bản. Tokyo lo sợ hậu quả nếu như Bắc Kinh thống trị các tuyến hàng hải trọng yếu đó. 

Theo ông Zack Cooper, học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, lo ngại của Tokyo đã tăng lên gấp đôi: Một là mối đe dọa cho sự ổn định của khu vực, hai là e sợ các hành động xác quyết của Trung Quốc có thể xảy ra.

“Lực lượng Mỹ và các quốc gia trong khu vực giúp bảo vệ các tuyến hàng hải quốc tế để bảo đảm tự do lưu chuyển năng lượng và các hoạt động kinh tế thương mại khác thông qua các tuyến đường huyết mạch này. Bất cứ vùng biển tranh chấp quốc tế nào cũng đều là mối đe dọa không chỉ đối với các nước láng giềng mà còn với mọi quốc gia có lợi ích gắn với an ninh, thịnh vượng của khu vực” - ông Cooper cho biết qua email trả lời tờ Japan Times.


Tàu khu trục Kurama chở Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dẫn đầu trong cuộc duyệt binh ở vịnh Sagami hôm 18-10. Ảnh: Reuters 

Ngoài ra, ông Cooper còn nói rằng: “Nếu Trung Quốc được quyền ức hiếp các nước châu Á nhỏ hơn ở biển Đông, thì sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho các nước lớn như Nhật Bản, cũng đang đối mặt với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông”.

Trong khi tranh chấp quần đảo Sensaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) từ lâu đã làm lu mờ vấn đề về biển Đông ở Nhật Bản, một số quan chức chính quyền và các chuyên gia tin rằng hai điểm nóng này có quan hệ không tách rời. Năm 2013, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản khi đó là Itsunori Onodera đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai diểm nóng đó rằng Tokyo rất “quan ngại về tình hình ở biển Đông có thể ảnh hưởng tới tình hình ở Hoa Đông”.

Nhiều chuyên gia thậm chí còn tuyên bố rằng vấn đề ở biển Đông có thể liên quan tới Nhật nhiều hơn so với tranh chấp ở biển Hoa Đông. “Vấn đề biển Đông ngày càng quan trọng hơn với Nhật Bản, không chỉ xuất phát từ viễn cảnh kinh tế mà còn do viễn cảnh quân sự/chiến lược. Trong khi đó vấn đề biển Đông lại là vấn đề chiến thuật và dễ quản lý hơn” -chuyên gia Tetsuo Kotani thuộc Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế Nhật Bản nhận định.

Tokyo đang theo đuổi cách tiếp cận đa phương đối với vấn đề biển Đông. Nhật cũng đang quốc tế hóa vấn đề tranh chấp tại các diễn đàn đa phương, khuyến khích sự đoàn kết trong ASEAN, đồng thời cung cấp hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở biển Đông và phối hợp chặt chẽ với Washington.

Trong tương lai, Tokyo có khả năng thay đổi chính sách lớn, đặc biệt nếu Mỹ phát động chiến dịch thực thi tự do hàng hải, tuần tra thường xuyên ở biển Đông.

“Việc Mỹ quyết định thực thi tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa mở ra khả năng Mỹ sẽ mời các nước khác cùng tham gia như Nhật Bản, Úc” - chuyên gia Ian Storey ở Singapore nói.

Tuy nhiên, ông Storey lưu ý rằng Tokyo nhận bất cứ lời mời nào như vậy sẽ đều thể hiện vai trò can dự sâu của Nhật Bản vào tranh chấp khu vực và chắc chắn việc này sẽ khiến quan hệ Nhật-Trung trở nên căng thẳng hơn.

Ông Cooper cũng nhất trí rằng việc Nhật Bản tuần tra biển Đông là khả thi, song ông lưu ý, bất cứ quyết định nào của Tokyo cũng nên tham khảo ý kiến của Mỹ và đánh giá nguy cơ, lợi ích cũng như thời gian thích hợp cho một động thái như vậy.“Nhật Bản hiển nhiên có quyền tiến hành các hoạt động tương tự tại vùng biển quốc tế, thực hiện riêng rẽ hoặc phối hợp chung với Mỹ”, ông Cooper nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng Tokyo sẽ tiếp tục cách tiếp cận đa phương trong vấn đề biển Đông, nhất là ngay sau khi chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông qua dự luật an ninh, cho phép quân đội Nhật hoạt động bên ngoài lãnh thổ.

“Nhật Bản cần xử lý vấn đề ở biển Hoa Đông và quần đảo Senkaku. Về vấn đề biển Đông, Nhật Bản cần thận trọng không tiến lên trước các nước khác trong khu vực. Tôi cho rằng họ sẽ tiếp tục tập trung vào xây dựng năng lực hàng hải và quân sự” - ông Corey Wallace, chuyên gia phân tích chính sách an ninh ở Đức, nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới