Hôm 12-10, New York Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ và châu Á cho biết Washington thông báo cho các đồng minh ở châu Á về kế hoạch triển khai tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc (TQ) xây dựng phi pháp tại Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Động thái này của Mỹ có thể sẽ góp phần làm tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Trước đó vào hôm Chủ nhật (11-10), các quan chức Mỹ đã chính thức xác nhận quyết định tiến hành các cuộc tuần tra tại biển Đông nhưng chưa cho biết cụ thể về thời gian và địa điểm tiến hành.
“Vấn đề (tuần tra biển Đông) chỉ còn là thời gian và có thể diễn ra trong vài ngày tới” - một quan chức Mỹ phát biểu trên The Wall Street Journal.
Không để TQ tiếp tục “nắn gân”
Tờ Foreign Policy hồi đầu tháng 10-2015 đã dẫn lời các quan chức Mỹ đưa thông tin Mỹ sẽ đưa tàu hải quân và trực thăng vào biển Đông, xóa bỏ “lâu đài cát” trên biển TQ tạo ra, thách thức các tuyên bố chủ quyền trái phép của Bắc Kinh tại các đảo nhân tạo được TQ khẩn trương xây dựng trong suốt thời gian qua.
Tuy Nhà Trắng khi đó chưa có quyết định chính thức, hai cây bút Dan De Luce, Paul McLeary cũng đã bước đầu đưa ra bình luận trên Foreign Policy rằng động thái này hướng tới sự “cứng rắn hơn” theo sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington hồi tháng trước, vốn đã thất bại trong việc tìm kiếm một giải pháp mang tính đột phá để giải quyết vấn đề biển Đông mà hai cường quốc đều rất quan tâm.
Diễn biến chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Mỹ, trong đó đáng chú ý là việc lãnh đạo TQ tuyên bố “các đảo trên biển Đông thuộc chủ quyền của TQ từ thời xa xưa” nhằm tái khẳng định quan điểm chủ quyền bất chấp vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) cho thấy Bắc Kinh dường như không còn lo ngại bất kỳ ai, kể cả sự hiện diện của Mỹ hiện nay tại biển Đông.
Từng trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, GS Alexander L. Vuving, Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Honolulu (Mỹ), nhận định việc chọn bối cảnh cuộc họp báo chung với tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng để khẳng định chủ quyền là một bước đi mạnh bạo của TQ. Thậm chí có dấu hiệu cho thấy giới quân sự TQ đã “nắn gân” Mỹ trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình. Đó là vào thời điểm trước chuyến đi Mỹ của ông Tập khoảng một tháng, tàu hải quân TQ lần đầu tiên đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý bờ biển Mỹ ở Alaska.
Đô đốc Harry B. Harris Jr., Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, bên tấm ảnh chụp hoạt động của TQ trong việc cải tạo đảo tại bãi Chữ thập, quần đảo Trường Sa. Ảnh: AP
Trước quan điểm và hành động rất rõ ràng từ Bắc Kinh, dù chưa có quyết định chính thức về hoạt động tuần tra biển Đông nhưng phát biểu trên Foreign Policy, một quan chức Bộ Quốc phòng của Mỹ đã thẳng thắn: “Câu hỏi đặt ra không phải là có hay không (diễn ra các cuộc tuần tra) mà phải là “khi nào” (Mỹ sẽ tiến hành)”.
Chính quyền Obama bắt đầu có thiên hướng mạnh tay hơn trong việc sử dụng lực lượng quân sự sau khi TQ đã “từ chối” các nỗ lực ngoại giao kêu gọi nước này dừng ngay các hoạt động cải tạo đảo, xây dựng các tiền đồn hay căn cứ quân sự trên các vùng biển TQ chiếm cứ trái phép.
Dù dư âm chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Mỹ vẫn còn nhưng cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều khẳng định thời gian và chi tiết của các cuộc tuần tra nhằm đảm bảo các nguyên tắc tự do hàng hải vẫn sẽ được triển khai thực hiện. Một nguồn tin nội bộ của Mỹ khẳng định nếu ông Tập muốn ngăn Mỹ tuần tra biển Đông, điều này sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Củng cố chiến lược an ninh dài hạn
Hành động tăng cường tuần tra của Mỹ càng có ý nghĩa khi vào hôm 9-10, tức một ngày sau khi Nhà Trắng tuyên bố xem xét đưa tàu tuần tra tiếp cận đảo nhân tạo, phía Bắc Kinh lên tiếng tuyên bố nước này sẽ không đứng yên để cho bất kỳ ai sử dụng danh nghĩa “tự do hàng hải” để “xâm phạm” vùng biển của nước này (đơn phương tuyên bố chủ quyền).
Thậm chí, theo GS Alexander L. Vuving, khái niệm “tự do hàng hải” theo luật quốc tế cũng được TQ hiểu theo “màu sắc TQ, tức cách áp dụng giá trị “tự do hàng hải” của Mỹ chưa hẳn đã chấn chỉnh được hành vi của Bắc Kinh. Trong dài hạn, TQ sẽ không nhượng bộ quan điểm của Mỹ.
Tuần tra biển Đông trong dài hạn còn là bước đi củng cố những hạn chế mà Mỹ mắc phải tại châu Á-Thái Bình Dương trong những năm gần đây.
Bình luận trên tờ Wall Street Journal hồi cuối tháng 8-2015 về chiến lược an ninh mới của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương do Lầu Năm Góc công bố, PGS Andrew S. Erickson, Viện Nghiên cứu Các vấn đề biển TQ, ĐH Hải chiến Mỹ, nhận định Mỹ vẫn còn tìm cách tỏ ra khách quan khi sử dụng các từ ngữ không rõ ràng, nhận định “các bên đều có lỗi” trong khi chính tài liệu Lầu Năm Góc cho thấy dù là nước lớn nhưng TQ hành xử tiêu cực nhất so với các nước láng giềng.
Lẽ ra chiến lược mới về an ninh của Mỹ phải tuyên bố thẳng thắn và rõ ràng rằng “yêu sách đường chín đoạn của TQ không hề có bất kỳ một cơ sở pháp lý nào về mặt luật pháp quốc tế”.
PGS Andrew S. Erickson còn chỉ ra rằng chiến lược an ninh mới của Mỹ quá chú trọng vào việc giảm thiểu căng thẳng (với TQ) tại khu vực khiến Mỹ trở nên rụt rè và yếu ớt. Việc nỗ lực hạn chế các rủi ro tại biển Đông khiến Mỹ nhiều lần chỉ bày tỏ “quan ngại” trước một Bắc Kinh hung hăng trong khi không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các phát biểu của Mỹ tạo được sức ảnh hưởng đối với TQ.
Việc TQ được mời tham gia các cuộc diễn tập các quốc gia vành đai Thái Bình Dương 2016 (gọi tắt là RIMPAC), theo PGS Andrew S. Erickson, cho thấy điểm yếu của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Obama.
Bắc Kinh đã liên tục chỉ trích gây áp lực lên các nước láng giềng; sách nhiễu các tàu khảo sát của Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực; nuốt lời hứa giữ nguyên hiện trạng và “nuốt chửng” bãi cạn Scarborough năm 2012 từ Philippines; đe dọa tàu tuần dương Cowpens của Mỹ năm 2013; gây nguy hiểm đối với máy bay P-8 của Mỹ vào năm 2014; hung hăng đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam; cải tạo đảo nhanh “chưa từng có” tại quần đảo Trường Sa (Việt Nam) mặc các chỉ trích vi phạm UNCLOS. Lẽ ra Mỹ phải khẳng định nước này luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với những hành động tiêu cực của chính quyền Bắc Kinh chứ không phải hành động một cách “rất hạn chế” như thời gian qua.
Trước một Mỹ “quá chừng mực, một số chuyên gia về an ninh như GS Alexander L. Vuving, PGS Andrew S. Erickson cho rằng Bắc Kinh trả giá rất thấp để gia tăng được sức ép trong khu vực.
GS Peter Dutton, Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Hoa - Trường ĐH Hải quân Mỹ, nhận định rằng: “TQ đang tạo áp lực lên toàn bộ hệ thống luật pháp, các quy tắc, nguyên tắc và chuẩn mực (vốn được thế giới sử dụng) để tăng cường sự ổn định trong lĩnh vực hàng hải toàn cầu của thế kỷ 20”.
Trong bối cảnh đó, việc Mỹ tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo TQ sẽ giúp Washington chủ động hơn, chứng minh quyết tâm giữ vững tự do hàng hải tại khu vực mà không hề sợ hãi (trước TQ).
Động thái này của Mỹ cũng cho thấy thái độ dứt khoát, sẵn sàng để căng thẳng gia tăng của cường quốc số một thế giới với một Bắc Kinh đầy tham vọng. Việc tăng “sức mạnh cơ bắp” của Mỹ sẽ làm tăng cái giá mà TQ phải trả nếu chính quyền Tập Cận Bình tiếp tục các hành động đơn phương đe dọa và gây phương hại an ninh, ổn định của khu vực.
Kiểm tra tuyên bố của Tập Cận Bình Trong chuyến thăm chính thức đến Mỹ, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tuyên bố “TQ không có ý định quân sự hóa đảo nhân tạo”. Tuy nhiên, theo GS Alexander L. Vuving, chiến lược của TQ là xây dựng các cơ sở lưỡng dụng trên đảo, phục vụ các hoạt động cả quân sự và dân sự, kinh tế và quốc phòng. Nếu có cuộc tranh cãi với TQ về chuyện họ có quân sự hóa các đảo ở biển Đông hay không thì cuộc tranh cãi đó sẽ không có hồi kết thúc. Thêm nữa, TQ nói không có ý đồ quân sự hóa nhưng họ vẫn có thể “đổ lỗi” cho nước khác đe dọa TQ nên họ phải phòng thủ để tự vệ. Vậy nên đúng như The Wall Street Journal bình luận, động thái tuần tra gần đảo nhân tạo trái phép của TQ ở biển Đông sẽ là “phép thử” đối với “cam kết” của Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời giải đáp phần nào thực hư cách vận dụng thuật ngữ “không quân sự hóa” từ phía TQ. |