Nhật gia tăng tập trận với đồng minh

AFP đưa tin lần đầu tiên lực lượng phòng vệ Nhật tham gia tập trận chung với Mỹ và Úc hôm 5-7 ở cửa ngõ Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông.

Cuộc tập trận mang tên “Kiếm bùa” giữa Mỹ và Úc được tổ chức hai năm một lần. Cuộc tập trận lần này kéo dài hai tuần (kết thúc ngày 21-7) với 30.000 binh sĩ không quân, hải quân và bộ binh tham gia.

Địa điểm tập trận ở bang lãnh thổ phương Bắc và bang Queensland của Úc. Về phía Nhật có 40 binh sĩ. New Zealand đưa 500 binh sĩ tham gia.

Hôm 3-7, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã đến thăm tàu đô đốc USS Blue Ridge của hạm đội 7 Mỹ trong lúc tàu chuẩn bị tham gia cuộc tập trận chung.

Ông khẳng định liên minh Úc-Mỹ là liên minh rất quan trọng đối với Úc. Ông nói: “Đây là quan hệ then chốt vào lúc chúng ta đang đối đầu với những thách thức to lớn tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở Trung Đông”.

AFP ghi nhận Thủ tướng Tony Abbott không nêu rõ thách thức đến từ Trung Quốc vì dù sao Trung Quốc cũng là đối tác thương mại số một của Úc. Dù vậy, GS John Lee ở ĐH Sydney (Úc) nhận định: “Mỹ và các đồng minh chủ chốt đang hợp tác rất chặt chẽ chủ yếu nhằm đối phó với Trung Quốc”.

Tàu chiến Úc tham gia cuộc tập trận ngày 5-7. Ảnh: AFP

GS John Lee cho rằng nguyên nhân xuất phát từ tình hình Trung Quốc ngày càng đưa ra nhiều yêu sách hơn và có ý đồ đầu tư về quân sự để củng cố đòi hỏi chủ quyền, nhất là ở biển Đông.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc không hài lòng khi Nhật tham gia tập trận với Mỹ và Úc nhưng Trung Quốc chắc chắn không ngạc nhiên vì gần đây Úc đã tăng cường quan hệ với Nhật.

Trong chuyến thăm Úc lịch sử của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi tháng 7-2014, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã từng tuyên bố xem ông Shinzo Abe là người bạn rất thân thiết. Úc cũng dự kiến mua tàu ngầm lớp Soryu của Nhật. Chuyên gia Andrew Davies ở Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc nhận định: “Úc và Nhật sẽ tiếp tục đào sâu quan hệ về an ninh”.

Ông nhận định trước hành động gây căng thẳng của Trung Quốc, Mỹ đang bỏ qua các quan hệ song phương để tập trung xây dựng quan hệ đa phương trong quan hệ chiến lược khu vực.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin các sĩ quan cao cấp của lực lượng phòng vệ Nhật và quân đội Mỹ sẽ tham dự đối thoại chiến lược song phương vào ngày 16-7 tại ĐH quốc phòng ở Washington.

Mục đích đối thoại nhằm tăng cường quan hệ đồng minh để đáp trả yêu sách chủ quyền đang gia tăng của Trung Quốc.

Tham dự đối thoại có tướng Katsutoshi Kawano, tổng tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ Nhật và tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

Đây là đối thoại chiến lược lần thứ hai sau lần đầu vào tháng 4-2014. Đối thoại được tổ chức căn cứ Hướng dẫn Hợp tác quốc phòng song phương mở rộng đã được Mỹ và Nhật nhất trí hồi tháng 4 vừa rồi.

Hướng dẫn này mở rộng vai trò tham gia của lực lượng phòng vệ Nhật trong khuôn khổ liên minh Mỹ-Nhật.

Bà Hillary Clinton, ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ, đã chỉ trích tin tặc Trung Quốc đánh cắp nhiều dữ liệu của Mỹ. Phát biểu với những người ủng hộ hôm 4-7 (giờ địa phương) tại bang New Hampshire, bà nói: “Họ đánh cắp số lượng lớn thông tin chính phủ để tìm cách khai thác có lợi”. Hồi tháng 6, Giám đốc các cơ quan tình báo Mỹ James Clapper đã khẳng định Trung Quốc là đối tượng tình nghi chính trong vụ đánh cắp dữ liệu cá nhân của nhiều triệu viên chức Mỹ. Bắc Kinh cho rằng Mỹ đánh giá như thế là “vô lý”.

_________________________________

750 tỉ yen (6,1 tỉ USD) viện trợ cho năm nước khu vực sông Mekong đã được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cam kết trong hội nghị cấp cao Mekong-Nhật hôm 4-7 tại Tokyo theo báo Japan News (Nhật). Khoản viện trợ này sẽ được cấp trong thời gian hơn ba năm kể từ tài khóa 2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm