Giới quân sự của Nhật Bản sẽ xem xét việc gia nhập lực lượng tuần tra thường xuyên Mỹ tại Biển Đông, theo đô đốc Katsutoshi Kawano, tổng tham mưu trưởng của lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho hay.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông tuyên bố động thái xây dựng đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc đã tạo ra "mối lo ngại tiềm ẩn rất nghiêm trọng" đối với Nhật Bản, một quốc gia thương mại dựa trên các tuyến đường biển chạy qua khu vực này.
Đô đốc Kawano nói: "Tất nhiên, khu vực này là vô cùng quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản. Hiện chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch nào để tiến hành giám sát tại Biển Đông nhưng tôi nghĩ rằng có khả năng Nhật sẽ làm như vậy tùy thuộc vào tình hình."
Binh sĩ Mỹ tham gia tập huấn tại đảo Palawan, Philippines
Ông không đề cập rõ các hành động cụ thể của Trung Quốc khiến cho Nhật Bản phải tiến hành tuần tra cũng như về các hoạt động bên ngoài biên giới có khả năng gia tăng mối lo ngại ở trong nước của quân đội Nhật Bản.
Tuy nhiên, sự tham gia của Nhật Bản sẽ là một động thái đáng mừng cho Mỹ, một quốc gia luôn cần sự giúp đỡ từ các đồng minh để gìn giữ hòa bình trong khu vực.
Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo hồi đầu tháng này: "Tôi xem Biển Đông là vùng biển quốc tế chứ không phải là lãnh thổ của bất kỳ nước nào, và vì vậy chúng tôi hoan nghênh Nhật Bản tiến hành các hoạt động trên biển nếu Nhật Bản cảm thấy phù hợp".
Trong tuần này, lực lượng hải quân Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Philippines xung quanh đảo Palawan cách quần đảo Trường Sa vài trăm cây số. Trong cuộc diễn tập, nước này đã điều động máy bay do thám P-3C mà theo Đô đốc Kawano miêu tả "có khả năng tốt trong việc phát hiện tàu ngầm và các đối tượng khác dưới biển."
Đô đốc Nhật Bản Katsutoshi Kawano
Mỹ đã cam kết gửi máy bay và tàu hải quân đến Biển Đông để thách thức yêu sách của Trung Quốc. Úc cũng đã tiến hành tuần tra quân sự.
Đô đốc Kawano lên nắm quyền lãnh đạo tối cao quân đội Nhật Bản vào cuối năm ngoái trong khi Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách giảm bớt các hạn chế kéo dài nhiều thập niên tự đặt ra đối với lực lượng phòng vệ của quốc gia.
"Như chúng tôi đã thấy trong trường hợp của Trung Quốc trên Biển Đông, họ đang nhanh chóng mở rộng sự hiện diện hải quân của mình và chi tiêu quốc phòng của họ vẫn đang phát triển. Chúng tôi rất quan ngại về các hành động của Trung Quốc do họ thiếu minh bạch" Đô đốc Kawano cho hay.
Khi được hỏi về ý kiến của Đô đốc Kawano, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các hoạt động xây dựng của nước này tại quần đảo Trường Sa "hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc". Vị phát ngôn cho biết các nước bên ngoài khu vực không nên cố gắng làm tăng căng thẳng bằng can thiệp quân sự “do chỉ làm tình hình thêm bất lợi mà thôi”.
Trong tháng tư, Nhật Bản và Mỹ sửa đổi các nguyên tắc hợp tác quốc phòng lần đầu tiên trong 18 năm, cho phép Nhật Bản đóng góp nhiều hơn để gìn giữ hòa bình ở châu Á. Ông Abe hiện tại phải thông qua một loạt các đạo luật để thay đổi luật pháp quản thúc nền quân sự hòa bình trong nước, một thách thức không nhỏ cho các nhà lập pháp.