Úc sẽ không chú ý đến vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố có khả năng thiết lập.
Báo Sydney Morning Herald (Úc) đưa tin ngày 1-6, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews đã khẳng định như trên trong cuộc trả lời với hãng thông tấn Fairfax Media của Úc.
Hôm trước đó, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc sẽ tùy thuộc tình thế an ninh mà thiết lập hay không vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông.
Để phản bác lại, Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews khẳng định lần nữa Úc sẽ tiếp tục điều động máy bay quân sự bay trên vùng biển tranh chấp ở biển Đông cho dù Bắc Kinh có đơn phương hạn chế bay trên không phận khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews (phải) ký biên bản ghi nhớ tại Singapore ngày 30-5. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Ông nhận xét theo luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền tự do tiếp cận hàng hải và hàng không không hạn chế, đặc biệt để đáp ứng mục đích thương mại. Báo Sydney Morning Herald ghi nhận các nhà phân tích đều nhận định nếu Trung Quốc ngang nhiên thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông thì đây sẽ được xem là hành động khiêu khích nghiêm trọng. Hiện thời tàu thuyền và máy bay của hải quân và không quân Hoàng gia Úc vẫn thường xuyên di chuyển qua biển Đông để diễn tập, tuần tra hoặc quá cảnh. Tàu tuần dương HMAS Perth của Úc đang có mặt ở biển Đông trong hành trình thăm Thái Lan và Campuchia. Trao đổi với báo Sydney Morning Herald qua điện thoại từ Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews nhận xét Trung Quốc là một quốc gia thương mại và Trung Quốc vẫn cần các nước tiếp tục giao dịch với họ.
Liên quan đến cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Úc và Nhật để khẳng định đòi hỏi chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc sẽ không được công nhận, ông Kevin Andrews cho biết chưa thảo luận điều này với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lúc ở Singapore.
Ông nói Úc cần cân nhắc để bàn bạc sâu hơn về khả năng tham gia tập trận chung Mỹ-Úc-Nhật.
Trong khi đó, báo The Guardian (Anh) đưa tin Công đảng Úc đang thúc giục chính phủ nên thận trọng xử lý vấn đề căng thẳng gia tăng ở biển Đông.
Bà Tanya Plibersek, Chủ tịch Công đảng, nói với đài phát thanh ABC (Úc) hôm 1-6: “Úc và các nước láng giềng châu Á mong mỏi tự do hàng hải và hàng không sẽ không bao giờ bị hạn chế ở biển Đông”.
Bà đề nghị chính phủ Úc phải có giải pháp nhẹ nhàng tiếp cận với kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Bà ghi nhận: “Điều quan trọng là chúng ta có được tự do đi lại trong khu vực đó, đặc biệt là quyền tự do hàng hải nhưng phải bảo đảm sử dụng ngôn ngữ làm dịu tình hình chứ không phải làm trầm trọng hơn”.
Bà đề nghị: “Những đóng góp của Úc phải bảo đảm giảm bớt căng thẳng đang leo thang và tiếp tục cải thiện tinh thần hiểu biết giữa các bên”.
Trung Quốc: Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ người phát ngôn bộ chỉ huy quân khu Thành Đô cho biết ngày 2-6, quân đội sẽ tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại tỉnh Vân Nam gần biên giới Myanmar. Tham gia tập trận có bộ binh và không quân. Phía Trung Quốc đã thông báo với Myanmar về cuộc diễn tập. Ngày kết thúc diễn tập sẽ được thông báo sau. Máy bay bị cấm bay vào không phận diễn tập. Hàn Quốc: Ngày 1-6, hải quân Hàn Quốc thông báo đã bắt đầu tập trận hải quân chung với hải quân Mỹ từ ngày 30-5 đến 3-6. 12 tàu tham gia tập trận, trong đó có tàu khu trục Aegis Seoae Ryu Seong-ryong (DDG-993), hai tàu ngầm, một máy bay tuần tra biển P-3C, một trực thăng Lynx, một máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon (trang bị một tên lửa không đối đất Slam-ER). _______________________________________ Úc là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc nên cách tốt nhất để bảo đảm lợi ích của hai quốc gia là phải có hành động dựa trên luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Úc KEVIN ANDREWS |