'Vẫn còn một huyện Hoàng Sa đang bị ngoại bang chiếm đóng'
Mở đầu hội thảo, ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy) phát biểu: Hôm nay là ngày 19-1-2016 - đúng vào thời điểm 42 năm trước Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa của chúng ta. Vì vậy, việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Nhà trưng bày Hoàng Sa nhân ngày này có một ý nghĩa to lớn và hướng về Hoàng Sa.
Trước đó, tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tổ chức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa để hướng đến Hoàng Sa.
“Có thể nói đất nước đã giải phóng hơn 40 năm rồi, non sông đã thu về một mối nhưng riêng TP Đà Nẵng vẫn còn một huyện Hoàng Sa bị ngoại bang chiếm đóng” - ông Tiếng nói.
Tại hội thảo, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện (Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng) đã giới thiệu rất cụ thể về việc trưng bày các hiện vật, tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa trong thời gian tới.
Theo đó, Nhà trưng bày Hoàng Sa được đầu tư với tổng mức 40 tỉ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016. Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ có ba tầng với diện tích trên 400 m2. Quan điểm xây dựng là đảm bảo tính khoa học và thể hiện được chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Cụ thể, nhà trưng bày sẽ tái dựng không gian cột bia chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam thời pháp thuộc dựng năm 1938, khẳng định chủ quyền của việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa liên tục từ năm 1916 đã thuộc chủ quyền của vương quốc An Nam. Ngay giữa trung tâm của khu nhà trưng bày, trên bề mặt hồ nước 40 m2, cũng là nơi tưởng niệm những nghĩa binh Đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ du thám, đo đạc thủy trình Hoàng Sa và bảo vệ vùng biển Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn (thế kỷ 17).
Nhà trưng bày cũng sẽ làm thuyền giấy của Hải đội Hoàng Sa cho khách tham quan trải nghiệm giây phút tâm linh qua việc thả trôi những chiếc thuyền giấy trên mặt hồ nước trôi ra biển “Khao lề thế lính Hoàng Sa”. Tái hiện ngọn đuốc Hoàng Sa với ý nghĩa ngọn lửa Hoàng Sa sẽ luôn thắp sáng ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa đang bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trái phép từ ngày 19-1-1974.
Bên cạnh đó là cung cấp cho người dân, khách tham quan về địa lý của TP Đà Nẵng và Hoàng Sa, trong đó sử dụng hình ảnh, âm thanh đa phương tiện, tái dựng lại những tài liệu sưu tầm được thể hiện toàn cảnh sinh động về Hoàng Sa mà người Việt đã từng tới đó sinh sống, làm việc và bảo vệ chủ quyền của mình.
Đồng thời, sẽ giới thiệu các chặng đường xác lập chủ quyền của Việt Nam kéo dài từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỉ 18; đưa ra các bằng chứng, tài liệu, bản đồ của Phương Tây và cả Trung Quốc thể hiện lãnh thổ của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam mà không hề đề cập đến Hoàng Sa-Trường Sa; các tài liệu, bản đồ của Việt Nam lại thể hiện rất rõ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã có từ rất lâu đời. Việc tổ chức trưng bày sẽ được làm một cách khoa học và gây ấn tượng sâu đậm trong tâm thức người xem.