Sau 42 năm, Hoàng Sa đau thương và mất mát, khi ngày 19-1-1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo này của Việt Nam. Nhưng lịch sử đất nước sẽ tạc mãi trong tâm khảm, những người con Việt đã ngã xuống vì chủ quyền biển, đảo… Hoàng Sa thiêng liêng trong mỗi người dân Việt”…
Những lời phát biểu ấy của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng tại lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa ở Lý Sơn, Quảng Ngãi (ngày 17-1) như tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người dân Việt Nam đoàn kết hơn nữa để giữ gìn ý thức chủ quyền; bảo vệ từng hòn đảo, vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đúng như ông Đặng Ngọc Tùng nói, hằng xuyên qua bao thời gian, bao đổi thay của lịch sử, Hoàng Sa vẫn luôn gắn chặt với đời sống của người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, trong từng trang sách, trong từng lời ru, trong cuộc sống mưu sinh của ngư dân ta ngày ngày.
Mãi còn đó hình ảnh những người con biển cả trong hải đội Hoàng Sa lên đường bảo vệ biển, đảo Tổ quốc ngày nào trong lễ khao lề thế lính của ngư dân miền Trung ngày nay.
Từng ngày, từng giờ trên sóng nước Hoàng Sa, quốc kỳ Việt Nam vẫn phần phật bay trên những con tàu của ngư dân ra khơi đánh bắt. Dù không biết bao lần bị các thế lực nước khác ngăn trở, đâm húc, tấn công nhưng chưa bao giờ tiếng máy rẽ sóng ra khơi tắt đi trên vùng biển thiêng liêng ấy của Tổ quốc. Hoàng Sa từ bao đời nay đã là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt, bao lớp cha ông của ngư dân ta đã sống, chết với vùng biển này. Máu, mồ hôi, nước mắt của dân ta đã khắc dấu vào Hoàng Sa như một pho sử son sắt, nhắc nhớ mỗi chúng ta không bao giờ được phai mờ.
Và mãi còn đó những tuyên bố đanh thép trên các diễn đàn quốc tế xuyên suốt từ trước tới giờ: Hoàng Sa là của Việt Nam!
Sự thật đó không có gì phủ nhận được.