Sống chết bám biển Hoàng Sa

Thời gian qua, hàng loạt tàu cá đánh bắt ở vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa và vùng cửa vịnh Bắc Bộ liên tiếp bị tàu Trung Quốc quấy phá, cản trở và tấn công. Thậm chí nhiều tàu cá còn bị đâm chìm giữa đêm tối.

Đụng độ “hung thần” trên biển

Vừa thoát nạn trở về sau chuyến biển đầy sóng gió, anh Võ Long (ngụ Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 98137 TS, đang sửa chữa lại con tàu bị đâm rách nát, te tua. Suýt nữa anh cùng chín ngư dân khác đã bỏ mạng giữa biển đêm. Anh kể rạng sáng 14-1, tàu đang kéo lưới ở vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa thì một tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc lừng lững xuất hiện. Con tàu di chuyển theo hướng tây bắc, lao thẳng về phía chiếc tàu cá bé nhỏ. “Trước mũi tàu có hai người đàn ông nói tiếng Trung Quốc đứng chửi bới, rồi ném những cục pin đã sử dụng về phía tàu chúng tôi. Trong khi mọi người cố gắng tránh né thì con tàu sắt quét tới” - anh Long nhớ lại. Cú tông trực diện vào mé phải khiến tàu cá bị gãy phần ống khói, sập mái che cabin. Tàu Trung Quốc lùi ra rồi tiếp tục tông cú thứ hai vào phần đuôi tàu làm sạt một góc.

Lúc này trên tàu có 10 người, cố gắng bấu víu vào những tấm lưới hoặc thành tàu để khỏi bị hất văng xuống biển. “Chúng tôi sợ họ quyết đâm chìm tàu thì chỉ có bỏ mạng giữa biển khơi nên van xin “đừng đâm chìm”. Họ tông phát thứ hai xong quay đầu bỏ đi. Do lúc đó trời còn tối nên chỉ nhận ra con tàu màu xanh sẫm, cabin màu trắng, không rõ có dàn đèn hay ngư lưới cụ gì không” - máy trưởng Võ Ngọc Minh cho biết.

Hai cú đâm húc trực diện liên tiếp của tàu Trung Quốc đã phá hỏng toàn bộ dây cáp liên lạc khiến thuyền trưởng không thể đánh điện cầu cứu. Hoảng sợ, mọi người khẩn trương kéo lưới lên rồi vá tạm con tàu lại để chạy vào bờ. Anh Minh thông tin thêm, ngay khi tàu cập cảng đã báo cáo sự việc với lực lượng biên phòng và cung cấp các hình ảnh liên quan.

Máy trưởng Võ Ngọc Minh và phần đuôi tàu cá QNg 98137 TS bị tông lần hai làm sạt mái che. Ảnh: T.TÀI

Cách đó mấy ngày, cũng trên vùng biển cách đảo Cồn Cỏ khoảng 70 hải lý, tàu cá QNg 98459 TS do anh Huỳnh Thạch (ngụ Phổ Quảng, Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng cũng bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm. Toàn bộ phần cabin cùng hệ thống điện đàm bị “thổi bay”, nước tràn ngập hơn nửa thân tàu. “Lúc đó, anh em đang ngủ thì bất ngờ bị hất văng xuống biển. Chưa kịp phản ứng thì tàu lại hứng tiếp cú đâm thứ hai vào phần mũi và chìm dần”. Anh Thạch nhớ lại, chỉ kịp chụp lấy bộ đàm kêu cứu hai tiếng rồi nhảy xuống biển. Những ngư dân chới với giữa dòng nước lạnh nhìn con tàu bị phá nước. Mọi người kêu cứu nhưng tàu Trung Quốc vẫn bỏ mặc, lao đi. “Sóng lúc đó cỡ cấp 5, cấp 6, lạnh tê tái nên ai cũng phải cố vùng vẫy cho nóng người” - ngư dân Trần Tiết (thuyền viên tàu QNg 98459 TS) kể lại. Bám theo những vật dụng trôi nổi, mọi người cố bơi về con tàu để chờ người ứng cứu. Dưới cái lạnh buốt của nước biển, cả 10 ngư dân tím tái, mất sức dần. Gần một giờ sau, tàu cá QNg 94429 TS của anh Huỳnh Bi (em trai anh Thạch) cùng năm tàu khác mới tiếp cận được hiện trường, kéo tàu bị nạn vào bờ. “Nếu tàu bị đâm vào ban đêm thì có lẽ tất cả chúng tôi đã bỏ mạng giữa biển lạnh. Cũng may các tàu đi gần nhau, còn đi đơn độc thì không ai cứu được” - anh Thạch nói.

Từng nhiều lần đụng độ với các tàu cá, tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc ở Hoàng Sa nhưng nhiều ngư dân miền Trung cho biết các tàu của Trung Quốc đang ngày càng hung hãn và bất chấp đạo lý. “Gần 30 năm đi biển nhưng chưa bao giờ thấy tàu Trung Quốc hung hãn và dữ tợn như thời gian qua. Họ sẵn sàng tông chìm tàu ngư dân ta rồi thản nhiên bỏ đi” - lão ngư Trần Xuân (Núi Thành, Quảng Nam) bức xúc. Cũng theo ông Xuân, dân đi biển không ai lại đối xử với nhau như thế. Ngay cả khi ngư dân Trung Quốc gặp nạn thì các tàu Việt Nam vẫn sẵn sàng giúp đỡ nước uống, lương thực hay sửa chữa giúp thiết bị, máy móc. Ngư dân gọi đó là cái tình của người đi biển.

Vá tàu để ra khơi

Chiều 18-1, có mặt tại khu vực âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), những ngư dân trên tàu QNg 98137TS đang khẩn trương vá víu, chồng chắn lại con tàu để kịp chuyến biển cuối năm. Gom những mảnh vỡ cabin thành từng đống, thuyền trưởng Long chua xót nhìn con tàu tan hoang sau hai cú đâm hiểm ác của tàu Trung Quốc. Gia sản gom góp một đời đi biển giờ chỉ còn những vết thương loang lổ.

“Chuyến biển rồi bị tàu Trung Quốc tấn công, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi phải chống đỡ tạm để đi thêm chuyến biển nữa, mong kiếm chút ít về ăn tết rồi sửa tàu luôn. Đang vào vụ cá đông, là vụ chính của nghề lưới rê nên các tàu dồn lên phía bắc. Còn đội tàu lưới rút thì hành trình về phương Nam, hướng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” - thuyền trưởng Long cho hay.

Ôm cột ống khói ra tiệm sửa chữa, anh Minh chia sẻ: “Biết là ra biển lúc này hiểm nguy trùng trùng nhưng sinh ra trên biển, lớn lên nhờ biển thì phải bám lấy để nuôi sống gia đình. Con tàu trông rách nát vậy nhưng là nồi cơm của hơn 10 gia đình với 42 nhân khẩu”. Dự kiến đến ngày 20-1, tàu của anh Minh sẽ lại rẽ sóng ra Hoàng Sa.

Vội vã bắt xe từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, thuyền trưởng Huỳnh Thạch đến xem con tàu đang được sửa chữa. Vết thương do tàu Trung Quốc gây ra quá nặng khiến con tàu phải nằm “trị bệnh” hơn một tháng mới xong. Toàn bộ cabin cũng như thân giữa tàu phải thay mới. Đi biển quen rồi nên nằm nhà vài ngày, anh Thạch lại nhớ tàu, nhớ biển. “Nhìn tàu các bạn thuyền ra khơi mà lòng tôi như lửa đốt. Chỉ mong sửa tàu nhanh để sớm ra khơi” - anh tâm sự.

Vừa mới trang bị lại bộ lưới sau khi bị tàu Trung Quốc cắt phá ở vùng biển vịnh Bắc Bộ (gần đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị) từ hồi giữa tháng 11 năm ngoái, anh Đào Ngọc Bé, chủ tàu ĐNa 90370 TS (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) lại lên đường ra khơi, đi chuyến biển cuối năm. Liên lạc từ biển về, anh Bé cho biết tàu của anh rời cảng cách đây bảy ngày, đánh bắt ở vùng biển phía bắc Hoàng Sa. Nhưng do bị các tàu cá Trung Quốc bao vây, phá hoại nên phải dạt về vùng biển gần khu vực đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) làm nghề. “Giờ vùng biển trên đó căng lắm. Các tàu Trung Quốc cứ hằm hè nên không dám đến gần thả lưới vì sợ họ cắt phá lưới” - anh Bé cho hay.

“Tiểu đội” bám biển

Dân đi biển miền Trung không ai không biết đến gia đình anh Huỳnh Luận ở Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Riêng gia đình anh đã có bảy chiếc tàu vỏ thép, vỏ gỗ, chuyên hoạt động ngư trường Hoàng Sa. “Từ đời ông nội tôi đã có tàu ra biển. Đến đời cha tôi đi biển 40 năm rồi nhường tàu lại cho thằng Thạch (con thứ hai) đi, còn tôi và thằng Bi (con thứ ba) cũng có đội tàu đánh bắt xa bờ riêng” - anh Luận tự hào.

Trưởng thành từ những con sóng bạc đầu ở Hoàng Sa, anh Luận hiểu từng luồng lạch, bãi bồi, bãi cạn. Một thủa dọc ngang từ tàu gỗ rồi sang tàu thép, anh chia sẻ: “Giờ đi biển phải có tàu vỏ thép chứ tàu vỏ gỗ cực lắm, luôn bị đe dọa, gây hấn. Từ ngày tôi chuyển sang đi tàu vỏ thép, có bữa đi ngang đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa) 5-7 hải lý nhưng các tàu Trung Quốc cũng không dám tới ngăn cản. Nếu mà đi tàu gỗ thì các tàu hải giám, hải cảnh… vây chặn ngay”.

Cũng bởi đam mê nghiệp biển mà anh Luận là ngư dân đầu tiên của Quảng Ngãi vay vốn đóng tàu sắt đi Hoàng Sa. Các em trai, em rể trong gia đình cũng mong ước có chiếc tàu vỏ thép để lập thành “tiểu đội” bám biển.

Kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát

Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết đã nắm thông tin và đang kiểm tra về việc tàu cá QNg 98137 TS bị tấn công khi đang đánh bắt trên biển. “Lực lượng kiểm ngư sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển để hỗ trợ ngư dân đánh bắt. Cục Kiểm ngư cũng khuyến cáo bà con ngư dân phải đảm bảo an toàn trước khi ra khơi. Đi theo tổ, đội đánh bắt để giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Đồng thời, các tàu phải báo cáo về cơ quan chức năng ở đất liền biết vị trí đánh bắt để có thể được hỗ trợ ngay khi gặp nạn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm