Nhật muốn mở rộng quyền phòng vệ

Nhật sẽ mở rộng phạm vi hỗ trợ hậu cần của lực lượng phòng vệ dành cho quân đội Mỹ khi có tình huống an ninh khẩn cấp xảy ra xung quanh Nhật, đặc biệt ở bán đảo Triều Tiên. Báo Yomiuri Shimbun (Nhật) ngày 20-8 đưa tin như trên.

Báo dẫn các nguồn tin cho biết Nhật sẽ cho phép lực lượng phòng vệ cung cấp vũ khí, đạn dược cũng như bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay tiêm kích Mỹ ở các khu vực gần vùng chiến sự.

Chính sách này sẽ được Bộ Quốc phòng Nhật đưa vào dự thảo sửa đổi Hướng dẫn Hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ. Báo cáo liên quan đến vấn đề này sẽ được trình chính phủ vào tháng sau.

Hướng dẫn Hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ đưa ra giới hạn lực lượng phòng vệ Nhật chỉ hỗ trợ hậu cần trong các lĩnh vực như chữa trị binh sĩ Mỹ bị thương, tiếp tế nước, thực phẩm và nhiên liệu cho quân đội Mỹ ở Nhật.

Hướng dẫn này không cho phép lực lượng phòng vệ Nhật tiếp tế nhiên liệu trên không hay bảo dưỡng máy bay tiêm kích của Mỹ vì Nhật lo ngại hành động hỗ trợ như vậy bị xem là phối hợp sử dụng vũ lực với Mỹ.

Mẫu máy bay tiêm kích ATD-X do Nhật sản xuất. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NHẬT

Với tầm nhìn an ninh mới trong đó Nhật được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, Nhật tin rằng sẽ không có vấn đề gì nảy sinh nếu các hoạt động hỗ trợ hậu cần diễn ra gần vùng chiến sự.

Báo Yomiuri Shimbun nhận định thông qua kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho quân đội Mỹ, Nhật hy vọng sẽ duy trì sức mạnh răn đe của mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ trong bối cảnh Mỹ cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng.

Nhật cũng muốn nâng cao niềm tin của Mỹ dành cho Nhật để bảo đảm Mỹ sẽ can dự quân sự trong bất kỳ đối đầu quân sự nào ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Trong bối cảnh chuẩn bị thực thi quyền phòng vệ tập thể, tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật) ngày 21-8 đưa tin năm tới Nhật sẽ thử nghiệm máy bay tiêm kích tàng hình ATD-X do Nhật sản xuất.

Bộ Quốc phòng Nhật dự kiến đề xuất ngân sách 40 tỉ yen (820 tỉ đồng VN) để tiến hành bay thử nghiệm.

Trong những năm 1980, Nhật đã thử sản xuất máy bay tiêm kích nhưng Mỹ phản đối. Sau đó, Mỹ đồng ý hợp tác với Nhật sản xuất máy bay tiêm kích F-2. Chương trình hợp tác kết thúc năm 2011. Dự kiến đến năm 2028, không quân Nhật sẽ ngưng sử dụng máy bay F-2.

Cách đây bốn năm, Viện Phát triển và Nghiên cứu công nghệ (Bộ Quốc phòng Nhật) đã bắt tay thực hiện dự án sản xuất máy bay tiêm kích nội địa ATD-X. Đến nay Nhật đã sản xuất được một số bộ phận quan trọng, trong đó có các mẫu khung máy bay có trọng lượng nhẹ và hệ thống bắn tên lửa.

Năm sau, Bộ Quốc phòng Nhật sẽ thử nghiệm động cơ máy bay và các mẫu khung máy bay có tính năng tàng hình.

Tạp chí Nikkei Asian Review ghi nhận nếu không sản xuất thành công máy bay tiêm kích nội địa, Bộ Quốc phòng Nhật cũng đã tính toán sở hữu công nghệ máy bay tiêm kích sẽ mang lại lợi thế cho Nhật khi tham gia các chương trình hợp tác sản xuất vũ khí đa quốc gia hoặc thương lượng mua máy bay tiêm kích của các nước khác.

LÊ LINH

Theo tạp chí Nikkei Asian Review, Bộ Quốc phòng Nhật sẽ đề nghị chính phủ cấp 124,9 tỉ yen (25.400 tỉ đồng VN) mua sáu máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ vào năm sau nhằm củng cố phòng thủ các đảo xa. Bộ Quốc phòng cũng đề nghị cấp 112,8 tỉ yen (23.000 tỉ đồng VN) mua ba máy bay trinh sát không người lái và một máy bay cảnh báo sớm. Từ năm 2012 đến nay, Nhật đã mua 10 máy bay tiêm kích tàng hình F-35. Nhật dự định mua 42 máy bay F-35 để thay thế cho dàn máy bay F-4 già cỗi.

500-800 tỉ yen (102.000-163.800 tỉ đồng VN) là chi phí ước tính ban đầu để Nhật tiến hành dự án sản xuất máy bay tiêm kích nội địa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm