Dự kiến, các tàu chở hàng có thể thực hiện tuyến hành trình mới này từ năm 2017.
Theo tính toán của Nhật Bản, việc sử dụng tuyến hải trình qua biển Bắc cực sẽ giúp các tàu thương mại rút ngắn lộ trình hành trình xuống 60% so với việc đi qua kênh đào Suez, từ đó giúp chi phí vận chuyển giảm đáng kể. Bên cạnh đó, tuyến đường mới này còn được kỳ vọng trở thành tuyến đường vận chuyển thay thế trong trường hợp tình hình Trung Đông biến động.
Các nhà chuyên môn nhận định việc Nhật Bản và Nga xác định xây dựng tuyến đường biển mới trên nhờ biến chuyển tích cực từ việc chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin xích lại gần nhau và việc cả hai cùng có chung mục tiêu tìm kiếm các biện pháp giảm thiểu chi phí vận chuyển thông qua việc sử dụng đường biển ở biển cực Bắc.
Nhật Bản và Nga đã bắt đầu đàm phán về việc sử dụng biển cực Bắc từ tháng 9/2012. Tại phiên họp hồi đầu tháng Chín vừa qua, Nga đã đề xuất dự thảo rút ngắn thời gian làm thủ tục cho phép tàu thuyền sử dụng tuyến đường hàng hải này từ 4 tháng xuống 2 tuần. Phía Nga cũng cho biết sẽ hoàn tất việc bố trí tàu phá băng vào năm 2017 và bày tỏ hy vọng các tàu phá băng này sẽ giúp các các tàu chở hàng lập tức thực hiện được các hoạt động thương mại của mình.
Chính quyền Thủ tướng Abe hồi tháng Tư vừa qua đã hoàn tất cơ chế khai thác biển Bắc cực như kế hoạch cơ bản về hải dương, tổ chức các hội nghị liên ngành… Trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ xây dựng các cơ chế hợp tác cụ thể với các doanh nghiệp kinh doanh, vận tải biển. Nếu việc sử dụng tuyến đường biển qua Bắc cực được triển khai, lộ trình vận tải của các tàu hàng Nhật Bản đi từ Trung Đông về Nhật Bản sẽ rút ngắn xuống còn hai tuần và điều này giúp cho Nhật Bản giảm thiểu đáng kể nhiên liệu và chi phí vận chuyển hàng hóa.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin hồi tháng Hai vừa qua đã ký chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia, trong đó coi trọng việc thúc đẩy phát triển khu vực Bắc cực đến năm 2020. Nga cũng đang tiến hành đánh giá nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên phong phú ngầm dưới đáy Bắc cực. Việc Nga hợp tác với Nhật Bản trong việc khai thông tuyến đường vận chuyển mới sẽ là cơ hội mở ra nhiều hợp tác khác giữa hai nước ở khu vực này.
Hiện nay, việc sử dụng tuyến đường biển qua biển Bắc cực chỉ được giới hạn trong 4 tháng mùa Hè. Với việc hai nước Nhật Bản và Nga cùng xem xét xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật cho hoạt động vận tải ở khu vực này, dự kiến tuyến đường mới sẽ được triển khai theo đúng dự kiến vào năm 2017 tới.
Theo Trường Giang/Tokyo (Vietnam+)