Quan hệ Trung-Nhật lâu nay đã xấu đi đáng kể do các tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn đối với các đảo không người ở tại biển Hoa Đông. Năm ngoái, Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng các giàn khoan thăm dò dầu và khí đốt ở vùng biển này.
Vào thời điểm đó, Tokyo đã cáo buộc Bắc Kinh hành động đơn phương bất chấp một thỏa thuận năm 2008 giữa hai bên về việc duy trì hợp tác để phát triển các nguồn tài nguyên trong khu vực, nơi hai nước không định rõ biên giới.
Trung Quốc sau đó tuyên bố Bắc Kinh có mọi quyền để khoan dầu khí ở các khu vực tại biển Hoa Đông gần vùng biển tranh chấp với Nhật Bản.
Tàu giám sát hàng hải Trung Quốc hoạt động trái phép tại ở biển Hoa Đông. (Ảnh: Reuters)
Trong nghị quyết ngày 16-3, đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản đã kêu gọi chính quyền ông Abe yêu cầu Trung Quốc kịp thời nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề khoan dầu khí cũng như xem xét việc kiện ra tòa án trọng tài quốc tế.
“Nếu Trung Quốc từ chối yêu cầu, chúng ta phải tiến hành một số biện pháp” - Yoshiaki Harada, người đứng đầu bộ phận về phát triển nguồn tài nguyên ở biển Hoa Đông của LDP, nói trước báo giới.
“Mọi người đều đồng ý rằng chúng ta không nên né tránh việc đưa vấn đề này lên một tòa án trọng tài quốc tế và việc chuẩn bị cho quyết định trên cần được xem xét” - ông Harada nói sau một cuộc họp của LDP về nghị quyết.
Hiện Philippines đã đệ trình vụ kiện chống lại các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông lên Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (Hà Lan). Phía Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện mặc dù nước này có tham gia UNCLOS năm 1982. Theo dự kiến, phán quyết của tòa trọng tài được đưa ra trong năm nay.