Nhật xoay xở trước khi Trump thay đổi

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bắt đầu chuyến công du trong sáu ngày từ ngày 12-1 đến Philippines, Úc, Indonesia và Việt Nam.

Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật ghi nhận Nhật hy vọng đi tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương vào thời điểm bất định về chính trị, an ninh và kinh tế gia tăng.

Đối với Philippines, ông Abe mong muốn hợp tác phát triển kinh tế, đấu tranh chống khủng bố và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tại Úc, ông sẽ khẳng định vai trò hợp tác về an ninh và quan hệ ba bên Nhật-Úc-Mỹ để duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

Đến Indonesia, ông sẽ nói đến hợp tác an ninh hàng hải và phát triển kinh tế. Còn tại Việt Nam, ông sẽ thảo luận về củng cố quan hệ song phương.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Eurasia Review ngày 12-1, chuyên gia Felix K. Chang ở Viện nghiên cứu chính sách ngoại giao (Mỹ) nhận xét do sức ép từ Trung Quốc và Nga, mấy năm gần đây chính sách đối ngoại của Nhật đã trở nên gắn kết hiếm thấy.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Duterte tại Philippines ngày 12-1. Ảnh: ASAHI SHIMBUN

Dưới thời Tổng thống Obama, Nhật tin tưởng Mỹ ủng hộ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Cụ thể là Mỹ sẽ duy trì cam kết bảo đảm an ninh ở châu Á.

Trên nền tảng vững chắc ấy, Thủ tướng Shinzo Abe đã miệt mài đi khắp châu Á thắt chặt bang giao. Ông khuyến khích các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Đông Nam Á. Ông tính toán chuyện củng cố an ninh và hứa cung cấp cho một số nước tàu tuần tra do Nhật sản xuất.

Song song theo đó, Nhật tiến hành củng cố vị thế quốc phòng. Ông Abe đã đề nghị tăng ngân sách quốc phòng, xây dựng cơ sở quân sự mới trên quần đảo Ryukyu để canh giữ biển Hoa Đông.

Quan trọng nhất là Nhật đã giải thích lại về quyền phòng vệ tập thể trong điều 9 hiến pháp hòa bình. Với cách diễn giải mới, từ nay lực lượng phòng vệ Nhật đã được phép hỗ trợ nước đồng minh bị tấn công.

Phán quyết của tòa trọng tài ngày 12-7-2016 đã mang điềm lành đến cho an ninh của Nhật vì Nhật hy vọng có thể giải quyết vụ tranh chấp biển Hoa Đông với Trung Quốc.

Vào lúc mọi điều kiện đều thuận lợi với Nhật thì tại Philippines, ông Rodrigo Duterte được bầu làm tổng thống.

Khái niệm về một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế đã bị đảo lộn khi Philippines rời xa Mỹ để tiếp cận Trung Quốc. Ít lâu sau, đến lượt Thủ tướng Najib Razak của Malaysia bước tiếp con đường của Philippines.

Tại Mỹ, ông Trump không chỉ muốn rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà còn chỉ trích Nhật đòi hỏi quá nhiều để Mỹ hiện diện quân sự ở châu Á.

Tranh thủ tình hình bất lợi của Nhật, Trung Quốc đã nhanh nhảu tăng cường quảng bá cho Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực nhằm lôi kéo các nước châu Á vào quỹ đạo.

Nga cũng lợi dụng khó khăn của Nhật. Trong hội đàm với ông Abe vào giữa tháng 12-2016 ở Nhật, Tổng thống Putin chỉ muốn hợp tác phát triển bốn đảo tranh chấp thuộc quần đảo Kuril theo luật pháp của Nga.

Nhà phân tích David Lang ở Viện Chính sách Chiến lược Úc đánh giá chuyến công du lần này của thủ tướng Nhật đã nhắm đến mục đích có thêm bạn bè, gia tăng ảnh hưởng và cũng giữ để Mỹ duy trì cam kết ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Shinzo Abe trong hai ngày 12 và 13-1, hai bên đã ký kết năm văn kiện. Thủ tướng Abe và Tổng thống Duterte đã nhất trí thúc đẩy pháp quyền trong bảo vệ chủ quyền và giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình. Ông Abe đã khen ngợi Tổng thống Duterte nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc dựa trên phán quyết trọng tài. Ông cũng bày tỏ quan tâm hỗ trợ Philippines chống ma túy.

____________________________

1.000 tỉ yen (8,7 tỉ USD) đã được Thủ tướng Shinzo Abe cam kết giúp Philippines trong năm năm bằng cách tạo cơ hội thương mại qua vốn phát triển công và đầu tư tư nhân của Nhật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm