Nhiễm bệnh từ quán cà phê chó, mèo

TP.HCM hiện xuất hiện một số quán cà phê chó, mèo. Đến đây khách thoải mái ôm ấp, nựng nịu những chú cún, cô miu… đầy lông nhưng thân thiện. Tuy nhiên, BS Mai Xuân Thông, Trưởng khoa Khám bệnh BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, lưu ý: “Mặc dù chó, mèo được tiêm vaccine ngừa bệnh dại nhưng không đảm bảo 100% được miễn dịch với bệnh này. Bên cạnh đó, một số bệnh khác của chó, mèo cũng có khả năng lây cho người qua phân, nước tiểu, nước bọt... Do vậy hãy cẩn thận khi tiếp xúc với chó, mèo để tránh chuyện đáng tiếc”.

Lông bám, “ị” vào khách

Cầu thang dẫn lên phòng khách ngồi uống nước của quán cà phê chó, mèo trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận, TP.HCM) thoáng mùi khai khai. Trong phòng, độ chục bạn trẻ hồn nhiên ôm ấp, đùa giỡn chó, mèo. Trong khi đó những chú chó, mèo chưa được khách để mắt tới thì đi qua đi lại hoặc nằm chèo queo trong chuồng được đặt giữa phòng khách.

Hai bạn trẻ ngồi ngay bàn dưới cửa sổ liên tục hôn hít, vuốt ve mèo. Một bạn áp sát mèo vào mặt mình nựng nịu, còn bạn kia ôm chặt mèo vào lòng ve vuốt. Hai chú mèo thích thú, liên tục vẫy đuôi. Thỉnh thoảng hai bạn trẻ cầm ly kem ăn rồi tiếp tục bế bồng những con mèo khác.

Cạnh đó, hai bạn nữ cũng vừa uống nước vừa vuốt ve chó, mèo. Sau khi ôm và nựng nịu chó, một bạn phải gỡ bỏ nhiều sợi lông chó dính trên quần. Còn bạn kia vừa đặt mèo xuống đất liền phủi bay những sợi lông mèo bám vô cánh tay, bàn tay. Vừa đùa giỡn với chó, mèo, hai bạn nữ cũng thản nhiên ăn kem, uống nước.

Chị Hương - chủ quán cho biết quán hoạt động từ năm 2012, khá đông khách vào những ngày cuối tuần. “Đa số là bạn trẻ. Thỉnh thoảng các em nhỏ cũng được cha mẹ đưa đến đây, vừa ăn kem vừa chơi với chó, mèo” - chị Hương nói.


Một bạn trẻ ôm ấp mèo, bên cạnh là ly kem không có nắp đậy. Ảnh: TRẦN NGỌC 

 
Một chú mèo bị cạo sạch lông do nhiễm nấm da. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo chị Hương, quán hiện có 10 con chó và 35 con mèo. Trong đó có một số chó, mèo bị bỏ rơi được chị mang về nuôi. Tất cả chó, mèo đều được tiêm ngừa dại. Mèo mỗi tuần tắm một lần, còn chó tắm thường xuyên hơn. “Chó thì hiền, dễ ôm ấp. Còn mèo hay quạu, thường giãy giụa nên cào trầy xước da. Chó, mèo càng ôm càng bế thì lông càng rụng, thỉnh thoảng bay vào thức uống của khách. Cũng có lúc chó, mèo tiểu và “ị” vào người khách” - chị Hương nói.

Quán cà phê trên đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1) cũng có khoảng 30 con mèo. Mèo được tự do đi lại trong phòng khách ngồi uống cà phê. Trong số những con mèo có nguồn gốc từ Anh, Đức, Ba Tư cũng có những mèo hoang được Ngôn - chủ quán mang về nuôi. “Tất cả mèo đều được chích ngừa và thường xuyên chải lông để hạn chế rụng khi khách ôm ấp, vuốt ve” - Ngôn nói.

Chỉ một con mèo khá to bị cạo sạch lông, Ngôn cho biết vì bị nấm da nên phải cạo lông để dễ bôi thuốc. Nghe chúng tôi hỏi nuôi mèo với số lượng nhiều thì đã đăng ký địa phương theo quy định của Bộ NN&PTNT chưa, Ngôn ngạc nhiên: “Tôi không biết có quy định phải đăng ký chó, mèo nuôi với địa phương. Hơn nữa tôi cũng không thấy địa phương nhắc nhở điều này”.

Đề phòng bệnh giun đũa, lepto…

BS Mai Xuân Thông cho biết tuyệt đối không để chó, mèo liếm trên vết thương hở vì có nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ nước bọt. Bên cạnh đó, những người có cơ địa dễ dị ứng cũng không nên tiếp xúc với chó, mèo. “Người bị dị ứng với lông của chó, mèo có biểu hiện ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ. Ngoài ra, phân của chó, mèo dễ chứa ký sinh trùng gây bệnh, đặc biệt là giun đũa, thông qua đường ăn uống. Ký sinh trùng này trú ngụ ở gan, não, da…, rất nguy hiểm cho người. Vì vậy phải vệ sinh tay thật kỹ sau khi ôm chó, mèo” - BS Thông khuyên.

Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết thêm chó, mèo còn mắc bệnh lepto. Chó, mèo mắc bệnh này thì da sẽ vàng và lây nhiễm cho người từ nước tiểu, thông qua vết thương hở ở người, gây tổn thương trên gan, thận… Ngoài ra, chó, mèo mắc bệnh dại khi hắt hơi nước bọt văng vào mắt người thì khả năng lây nhiễm bệnh dại cho người vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, ve chó, mèo cắn người cũng gây dị ứng. Chó, mèo mắc bệnh nấm da cũng nhiễm qua người khi tiếp xúc. “Cần lưu ý do cơ địa của trẻ chưa miễn nhiễm cao, mau bị dị ứng và dễ nhiễm sán lãi nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc nhiều với chó, mèo” - ông Phát nói.

Ông Phát còn cho biết mang chó, mèo hoang về nuôi cần  tránh cho tiếp xúc với khách, phải nhốt cách ly vì không thể kiểm soát hết nguy cơ. “Thức ăn, đồ uống phải đậy nắp để lông chó, mèo không bay vào. Bị chó, mèo liếm vào vết thương hở, hắt hơi nước bọt văng vô mắt hoặc cào trầy thì phải tiêm ngừa, đồng thời nhốt con vật trong 21 ngày để theo dõi” - ông Phát khuyến cáo.

TRẦN NGỌC

 

Phải đăng ký số lượng chó, mèo nuôi với địa phương

Theo Thông tư 48/2009 của Bộ NN&PTNT, người nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền địa phương để được theo dõi nguồn gốc con vật, chích ngừa, kiểm soát quy trình vệ sinh phòng dịch, cập nhật biến động… Do chó, mèo thường nhiễm giun đũa, dễ lây qua người nên việc xổ giun phải được kiểm soát chặt. Chó, mèo nuôi trên sáu tháng mỗi năm xổ giun hai lần; dưới sáu tháng thì mỗi tháng xổ một lần.

Ông HUỲNH TẤN PHÁT, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm