Nhiệm kỳ XIII của Đảng: Đưa vị thế Việt Nam lên tầm cao mới

Nói về hoạt động ngoại giao của Việt Nam (VN) trong suốt nhiệm kỳ thứ XII của Đảng, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhận xét: “Điều ấn tượng nhất với tôi là ngành ngoại giao đã góp phần đưa VN thực sự trở thành một quốc gia tầm trung, có tiếng nói trong ASEAN và được các quốc gia cường quốc tính đến trong hoạch định chính sách của họ”.

Ông Thao cũng cho rằng: “Tại thời điểm Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp, thế giới tiếp tục biến động, khó lường cả về chính trị, an ninh lẫn kinh tế. VN sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao rộng mở, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng; tiếp tục tích cực tham gia, đóng góp vào những vấn đề của nhân loại và khu vực”.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao.

Những vận động sau Đại hội XIII

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về xu hướng vận động của thế giới trong bối cảnh VN bắt đầu triển khai các hoạt động ngoại giao của nhiệm kỳ XIII của Đảng?

+ Ông Nguyễn Hồng Thao: Một nội dung rất quan trọng trong văn kiện của Đảng trong định hướng hoạt động đối ngoại chính là đánh giá xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển. Quan sát các kỳ đại hội Đảng gần đây có thể nhận thấy VN luôn quan tâm đến việc đánh giá các xu hướng “hòa bình”, “hợp tác” và “phát triển” của thế giới. Đây là ba xu hướng chủ đạo trên trường quốc tế trong nhiều thập niên qua, nhất là khi quốc tế thúc đẩy toàn cầu hóa. VN đã nắm bắt tốt xu thế này trong đường lối ngoại giao của mình để đưa hình ảnh và vị thế đất nước lên tầm cao mới.

Đến nay tôi cho rằng phần lớn thế giới vẫn mong mỏi và tìm kiếm ba xu hướng chủ đạo này như tinh thần được thể hiện trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ). Các xu hướng này không thể bị đảo ngược. Tuy nhiên, gần đây cả ba xu hướng trên bắt đầu bị thách thức bởi: Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, bài bác chủ nghĩa đa phương, phát triển chính sách bảo hộ, cạnh tranh gay gắt và thậm chí là đối đầu giữa các cường quốc (như Mỹ - Trung Quốc (TQ))...

. Vậy việc triển khai hoạt động đối ngoại của VN cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản nào?

+ Trước hết phải hiểu đúng thời cuộc, tức là vừa nhìn nhận “hòa bình”, “hợp tác”, “phát triển” vẫn là ba xu hướng quan trọng; lấy cái “dĩ bất biến” này để khắc chế những thách thức mới, khó lường như chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa dân túy, biến đổi khí hậu... Từ đó, ngoại giao VN cần tiến những bước vững chắc, tập trung hơn vào các vấn đề ưu tiên và lợi ích cốt lõi.

Nguyên tắc chung là: (i) nêu cao tinh thần hợp tác; (ii) sẵn sàng giải quyết các vấn đề chung của thế giới (như dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế, khủng bố…); đồng thời (iii) áp dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp (ví dụ Biển Đông) một cách khôn khéo và hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 với các đại biểu quốc tế dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.  Ảnh: TTXVN

Ngoại giao VN đảm bảo chủ quyền Biển Đông

. Ngoại giao nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhất là Biển Đông, là mục tiêu quan trọng được đặt ra một cách xuyên suốt. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức với ngoại giao VN về Biển Đông?

+ Tình hình Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức khó lường, tác động đến hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Trong đó, có các vấn đề nổi cộm như: TQ đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; cạnh tranh địa chính trị nước lớn; và quân sự hóa Biển Đông. Tình hình thực địa tiếp tục diễn biến phức tạp, cản trở các tiến trình ngoại giao nhằm nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Tuy nhiên, rõ ràng VN đang ở phần chính nghĩa, đồng quan điểm thượng tôn pháp luật, chuộng hòa bình với hầu hết quốc gia trong và ngoài khu vực. Nhiều nước, cùng với VN, gửi công hàm phản đối các hành động của TQ không phù hợp với luật quốc tế, không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Các quốc gia ngoài khu vực như Anh, Pháp, Đức, Úc hay Nhật cũng công khai phản đối các yêu sách vùng biển của TQ, đe dọa quyền tự do hàng hải, hàng không và các lợi ích mà UNCLOS mang tới tại Biển Đông. Thậm chí Mỹ cũng đã có những động thái trừng phạt các công ty Trung Quốc tham gia các hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông. Vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa và lập trường của Việt Nam ngày càng được nhiều nước ủng hộ.

. Chắc chắn ngoại giao VN cần phải có những giải pháp thúc đẩy an ninh khu vực này?

+ Các bên liên quan, bao gồm cả VN, cần triển khai bảy giải pháp: (i) nêu cao tinh thần đối thoại, thúc đẩy tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp, đặc biệt là UNCLOS; (ii) tăng cường hợp tác, biến Biển Đông thành vùng biển kết nối và hợp tác thay vì cạnh tranh và đối đầu; (iii) tăng cường xây dựng và duy trì một môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác biển ở Biển Đông; (iv) chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn trên biển; (v) thúc đẩy hợp tác nhằm phục hồi kinh tế và cùng phát triển; (vi) hợp tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường nghiên cứu khoa học biển và phát triển bền vững ở Biển Đông; (vii) không ngừng hướng tới giải quyết hòa bình các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Cạnh đó, VN cần tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, tạo điều kiện thuận lợi để ASEAN và TQ sớm hoàn thành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Không một bên nào được quyền tiến hành các hoạt động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông. ASEAN - TQ phải tiếp tục tôn trọng sự toàn vẹn và giá trị thống nhất, phổ quát của UNCLOS, coi công ước này là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, đồng thời tôn trọng quyền lợi hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế của các bên liên quan ở Biển Đông.

. Xin cám ơn ông.

Những điều chỉnh cần thiết về FTA

. Một mục tiêu quan trọng của ngoại giao VN là đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Việc triển khai hoạt động kinh tế đối ngoại của VN gặp thách thức gì trong bối cảnh mới?

+ Những lợi ích từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đối với VN đã được nói nhiều và không còn gì để bàn cãi. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đưa lại nhiều thách thức: Thứ nhất, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Thứ hai, luồng vốn đầu tư nước ngoài vào VN tăng sẽ làm nền kinh tế khó hấp thụ, sử dụng hiệu quả hoặc sẽ kích thích chạy theo lợi nhuận bỏ qua các tiêu chí môi trường và sự phát triển bền vững.

Thứ ba, thu ngân sách nhà nước sẽ giảm do cam kết giảm thuế nên đòi hỏi phải có nguồn thu mới, cải tiến hệ thống thuế. Thứ tư, các cam kết về dịch vụ tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến ba lĩnh vực lớn: Bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán. Ngoài ra, nguy cơ bị chi phối và mua lại các doanh nghiệp cao nếu hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Cuối cùng, nhận thức của doanh nghiệp về các FTA thế hệ mới còn hạn chế.

. Giải pháp triển khai hoạt động kinh tế đối ngoại là gì, thưa ông?

+ Tôi cho rằng trước hết cần đẩy mạnh cải cách pháp luật, rà soát và ban hành mới luật lệ trong nước đảm bảo sự tương thích của hệ thống pháp luật trong nước với những quy định trong các FTA thế hệ mới. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sự tin tưởng và uy tín trong hoạt động kinh doanh, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu… 

Song song đó, VN cần cải cách chế độ thuế, mở rộng nhiều ngành nghề mới, đảm bảo thu thuế đủ và đúng, tránh thất thu thuế. Cuối cùng, thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định trong các FTA thế hệ mới cho doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan khác. 

Góc nhìn: Kỳ vọng bản lĩnh ngoại giao Việt Nam

Ngoại giao Việt Nam (VN) đã trải qua nhiệm kỳ Đại hội XII thành công. Tuy nhiên, khi thế giới đang biến động khôn lường, những kỳ vọng đặt lên vai đội ngũ làm ngoại giao càng nặng nề hơn bao giờ hết.

Ngay cả những người khó tính nhất cũng phải thừa nhận ngành ngoại giao đã thành công khi góp phần định hình được vị thế của VN. Chưa bao giờ hình ảnh một VN đầy hứa hẹn xuất hiện nhiều trên báo chí quốc tế như năm qua. Đại hội XIII của Đảng được truyền thông quốc tế theo dõi rất sát, dành cho VN những ngôn từ đầy ấn tượng như “ngôi sao đang lên”, “VN chờ cất cánh”.

Tuy nhiên, ngoại giao VN thời gian tới sẽ đối diện với sự thay đổi lớn và khó lường: Chủn ghĩa dân tộc; chủ nghĩa bảo hộ; đối đầu và thậm chí thù địch giữa các cường quốc; xu thế cực đoan, bạo loạn và lật đổ ở khắp thế giới; và sự hoành hành của đại dịch COVID-19. Nói như chuyên gia Hoàng Việt (ĐH Luật TP.HCM): Ngoại giao VN dù đang rất thành công nhưng trước mắt là vô số thử thách. Thế giới vốn chuộng xu thế “hòa bình”, “hợp tác”, “phát triển”nhưng hiện nay các xu hướng này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, chúng ta kỳ vọng“gấp bội”vào đội ngũ làm ngoại giao VN tới đây, rằng họ sẽ gia tăng bản lĩnh để chủ động thích ứng bối cảnh mới.

Ở khía cạnh chính trị, bản lĩnh ở chỗ phải tiếp tục tỉnh táo trong việc ứng xử với “vòng xoáy đối đầu” giữa các nước lớn, điển hình là Mỹ - Trung Quốc (TQ). Vấn đề của VN không phải là chọn bên nào, mà ngoại giao cần phải bám sát tinh thần chung của Liên Hợp Quốc - theo đuổi hòa bình, ngăn ngừa xung đột, phát triển bền vững. Bản lĩnh còn thể hiện trong các ứng xử với TQ ở Biển Đông, trong đó cân nhắc nhiều giải pháp hòa bình, pháp lý, dư luận

Về lĩnh vực kinh tế, bản lĩnh ở chỗ cần phải tìm cách xóa bỏ các rào cản không cần thiết cho thương mại giữa các nước trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương đang trỗi dậy. Bản lĩnh ở chỗ biết xoay xở, tìm cách đưa hàng hóa VN ra nước ngoài một cách chiến lược và khôn ngoan, ngăn ngừa các rủi ro bị dán nhãn “thao túng tiền tệ”, “bán phá giá” hoặc bị trừng phạt vì các lý do “xuất xứ hàng hóa”, “vi phạm quy định của các FTA”, “gây mất cân bằng thương mại”. Bất chấp dịch COVID-19, người làm ngoại giao cần bản lĩnh để giúp hàng VN tiếp tục đi khắp thế giới.

Cuối cùng, kỳ vọng rằng ngoại giao VN bản lĩnh hơn trên các diễn đàn ngoại giao, các thể chế hay các tổ chức quốc tế. Vài năm qua, người Việt đã đảm nhiệm vịtríở nhiều tổ chức uy tín của quốc tế. Tuy nhiên, xu thế này cần phải gia tăng mạnh mẽ hơn nữa để tiếng nói của VN đi xa hơn, sáng kiến của VN được áp dụng nhiều hơn, quyền lợi chính đáng của VN được bảo vệ hiệu quả hơn.

Cuối cùng, các nhà ngoại giao VN nên xuất hiện nhiều hơn trên các diễn đàn thông tin báo chí, mạng xã hội. Trong thế giới phẳng, thông tin là “tài sản quý”, giúp người dân kịp thời nắm bắt đường lối; giúp công luận quốc tế hiểu hơn về ý chí và nguyện vọng của VN; giúp xóa bỏ hàng khối thông tin giả, tin kích động, tin vô căn cứ. Xuất hiện thường xuyên hơn để tạo ra một môi trường thông tin đối ngoại ổn định hơn cũng là một thử thách đòi hỏi bản lĩnh người làm ngoại giao. ĐỖ THIỆN

Ngành ngoại giao Việt Nam thắng lớn
(PLO)- Suốt nhiệm kỳ lần thứ XII của Đảng, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu về ngoại giao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới