Thời gian qua tổng đài bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận nhiều cuộc gọi từ gia đình của các em bé bị xâm hại đề nghị can thiệp các báo ngưng đưa tin về con em họ. Ông nói: “Nhiều bài báo khiến trẻ bị xâm hại nhiều lần vì các em bị làm phiền, bị hỏi thăm, các thông tin cá nhân bị rò rỉ trên mặt báo. Nhiều cháu phải chuyển đi khỏi nơi ở cũ nhưng các bạn cũng biết là chuyển nhà không phải chuyện đơn giản, nhất là gia đình không có điều kiện. Gửi về quê nội, quê ngoại cũng không được vì người dân ở đấy đều đọc báo, biết cả rồi”.
Ông Nguyễn Công Hiệu cũng cho biết: “Chúng tôi chưa kiện nhà báo nào ra tòa nhưng có lẽ sắp tới chúng tôi sẽ phải có nhiều biện pháp bảo vệ các em mạnh mẽ hơn trước truyền thông, kể cả phải kiện một số nhà báo”.
Đó là một trong những ý kiến được các đại biểu đưa ra trong hội thảo bàn về sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em, do Cục Trẻ em tổ chức tại TP.HCM ngày 8-8.
ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chiến lược, truyền thông và phát triển phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HM
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, khuyến nghị báo chí khi đưa tin về trẻ em phải đảm bảo nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em. Đó là phải đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em trong mọi quyết định, mọi khả năng, hoàn cảnh liên quan đến trẻ em. Bên cạnh trách nhiệm nghề nghiệp, nhà báo phải có trách nhiệm công dân. Nếu nhà báo không cung cấp ngay các hành vi xâm hại trẻ em cho cơ quan chức năng mà đợi đến khi bài báo đăng mới cung cấp sẽ bị xử lý. Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: “Bất cứ thông tin thuộc về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bị nghiêm cấm công bố nếu không có sự đồng ý của trẻ và gia đình”.
Bàn về những sang chấn tâm lý do truyền thông gây ra, ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chiến lược, truyền thông và phát triển, cho rằng trong vụ ông “Nguyễn Hữu Linh nựng” đã có nhiều bài viết phản cảm, gây tổn thương khi có ý nghi ngờ cho rằng gia đình em bé đã thỏa thuận với ông Linh. Trên các mạng xã hội thì thông tin này càng được bàn tán dữ dội. Ông Nguyễn Đình Thành nói: “Một phụ nữ trưởng thành bị xâm hại khi kể đi kể lại còn không chịu đựng nổi huống chi là cháu bé. Có thể nhiều bạn không thể tưởng tượng nổi những sang chấn tâm lý kéo dài gây hậu quả thế nào cho các cháu. Nó không phải là vết thương bên ngoài có thể nhìn thấy được”.
Bà Nguyễn Ngân, Đài Truyền hình Việt Nam, cho rằng: Nếu phóng viên Việt Nam làm việc ở nước ngoài chắc phải hầu tòa nhiều lần. Báo chí vô tình làm tổn thương, khiến trẻ bị xâm hại nhiều lần.
Các nhà báo và đại biểu dự hội thảo đã được cung cấp thêm nhiều kinh nghiệm trong việc đưa tin về trẻ em đúng pháp luật, bảo vệ trẻ em và gia đình các em khỏi những ảnh hưởng xấu.