Sáng 22-9, Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông (BXMĐ) tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc di dời các tuyến xe từ BXMĐ hiện hữu về BXMĐ mới (giai đoạn 1) từ ngày 10-10.
Tại cuộc họp này, các doanh nghiệp (DN) vận tải đưa ra nhiều băn khoăn, vướng mắc cần được giải quyết trước khi chính thức di dời sang BXMĐ mới.
Lo nạn “xe dù, bến cóc”
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Thanh Quang, phụ trách điều hành Công ty CP Vận tải tốc hành Mai Linh, cho hay: “Chúng tôi mong muốn bến xe tạo điều kiện hỗ trợ cho DN được ghép phòng vé (phòng vé ở BXMĐ hiện hữu và BXMĐ mới) để giảm chi phí. Bởi trong thời gian sắp xếp di dời ra bến mới, nếu giữ lại phòng vé ở bến cũ thì đội chi phí còn nếu ủy thác cho bến thì doanh thu sụt giảm”.
Ngoài ra, ông Quang cho biết hiện tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn TP xuất hiện rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN vận tải trong bến. Do vậy, ông Quang đề nghị thanh tra giao thông cũng như Công an TP tạo điều kiện hỗ trợ BXMĐ cũ và mới giải quyết vấn nạn này để các DN yên tâm hoạt động.
Còn ông Đinh Thanh Hồng, đại diện Công ty TNHH Hiệp Phước, cho rằng thời gian ba tháng để DN chuyển hẳn ra BXMĐ mới là quá ngắn.
Cũng theo ông Hồng, trong khung thời gian khoảng 16 giờ đến 21 giờ có rất nhiều xe đội lốt xe hợp đồng chạy khắp TP chứ không riêng gì BXMĐ đi ra.
“Bến xe mới thì DN chạy theo giờ, còn những “bến cóc, xe dù” giờ nào cũng đi. Trong khi đó, chi phí ở bến cao hơn rất nhiều so với “bến cóc, xe dù”. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo sở, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco - DN chủ đầu tư BXMĐ mới) có chủ trương, phương án hỗ trợ DN để khi di dời sang bến xe mới sẽ hoạt động tốt hơn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện HTX Vận tải Dịch vụ Du lịch Sài Gòn, đặt vấn đề: “Khi di dời các tuyến ra BXMĐ mới có cần thiết làm lại các phù hiệu, biển hiệu xe không? Ngoài ra, bến xe cần giảm bớt thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình di dời sang bến mới cũng như đỡ phần nào chi phí”.
Giai đoạn 1 sẽ có 24 tuyến xe được di dời từ Bến xe Miền Đông hiện hữu sang bến mới. Ảnh: LINH PHƯƠNG
Bến xe sẽ đưa ra giải pháp tốt cho doanh nghiệp
Trả lời những thắc mắc của DN vận tải, ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Công ty CP BXMĐ, cho biết: Bến xe đã tiếp nhận các phản ánh và băn khoăn, vướng mắc của DN vận tải. Theo đó, bến xe cam kết sẽ đưa ra các giải pháp tối ưu để giảm chi phí, tạo điều kiện tốt nhất cho DN di dời từ bến cũ sang bến mới.
Theo ông Huy, để BXMĐ mới hoạt động hiệu quả, di dời theo kế hoạch nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của các DN, bến xe kiến nghị Sở GTVT cho phép tạm thời vẫn sử dụng một số tuyến ở bến cũ cho đến khi BXMĐ mới hoạt động ổn định.
Về công tác bán vé, ông Huy cho biết sau cuộc họp bến xe sẽ triển khai phần mềm bán vé song song ở cả BXMĐ cũ và mới cho các đơn vị vận tải. Qua đó các đơn vị cùng nhau kiểm soát nhằm tăng cường sự liên kết của các DN vận tải.
Ông Huy cho biết các tuyến được di dời sang BXMĐ mới tổng cộng 71 tuyến. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đưa 24 tuyến vào hoạt động trước.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết về mặt quản lý thuộc thẩm quyền của Sở GTVT, sở sẽ đề nghị thanh tra giao thông phối hợp với Công an TP tăng cường, kiểm tra và đặt nhiều biển báo cấm để xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến cóc”.
Theo ông Hưng, khi BXMĐ mới đi vào hoạt động sẽ phát sinh thêm “xe dù, bến cóc”. Do đó, các đơn vị chức năng cần xử lý triệt để, đặc biệt là lúc chuyển giao từ bến xe hiện hữu qua bến mới.
Trong khi đó, tại cuộc họp này, phía Samco vẫn chưa có câu trả lời trực tiếp cho các DN vận tải. Đại diện đơn vị này chỉ cho hay đã ghi nhận ý kiến của DN và sẽ có thông báo sau.
Những lưu ý khi BXMĐ mới hoạt động Các đơn vị vận tải có tuyến xe được di dời sang BXMĐ mới, trong thời gian ba tháng kể từ ngày 10-10, các tuyến này tạm thời được tiếp tục đậu và đón trả khách tại BX hiện hữu trước khi đến bến mới làm các thủ tục xuất bến theo quy định. Ngoài ra, tại BXMĐ hiện hữu có tổ chức bán vé ủy thác cho các tuyến đường có điểm xuất phát tại bến BXMĐ mới. Các đơn vị vận tải cần xây dựng phương án trung chuyển phù hợp, trên cơ sở kết hợp với các loại phương tiện vận chuyển khách như xe trung chuyển, xe buýt, taxi, xe hai bánh... Đối với các đơn vị vận tải có tuyến đường mà hành trình bắt đầu từ BXMĐ hiện hữu đi ngang qua BXMĐ mới được trung chuyển hành khách tại bến mới. Đối với hoạt động của các tuyến xe buýt, bến xe đề nghị các đơn vị vận tải thông tin cho hành khách về hành trình đi từ BXMĐ hiện hữu ngang qua BXMĐ mới. Trong đó, có ba tuyến xe buýt có điểm đầu, cuối tại BXMĐ mới gồm số 55, 67, 76. |