Nhiều băn khoăn về việc lập lực lượng an ninh cơ sở

(PLO)- Các đại biểu Quốc hội băn khoăn, cho rằng cần xem lại quy định về tuổi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để phù hợp với tình hình thực tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Dự luật này đã được cho ý kiến tại kỳ họp trước và dự kiến thông qua tại cuối kỳ họp này.

Nhiều băn khoăn về việc lập lực lượng an ninh cơ sở
ĐB Trương Trọng Nghĩa (trái, Đoàn ĐBQH TP.HCM) và ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nêu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

Đánh giá cao nhưng còn băn khoăn

Trong 27 ý kiến phát biểu về dự luật này, đa số ý kiến đánh giá cao sự chuẩn bị của ban soạn thảo, giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH về các vấn đề đã được nêu ra từ kỳ họp trước. Tuy vậy cũng có nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ băn khoăn vì một số vấn đề chưa được thuyết phục.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) vốn là một công an, ông đánh giá cao sự cầu thị của Ủy ban Thường vụ QH nhưng cũng băn khoăn về “tiêu chuẩn” của lực lượng này, trong đó có quy định về tuổi.

“Tôi cho rằng đây là lực lượng như cánh tay nối dài của công an xã, phường. Trong việc hỗ trợ có đi tuần tra, canh gác ban đêm… mà lại không quy định tuổi. Ví dụ, U-70 mà đi tuần tra, canh gác ban đêm làm sao làm được? Rồi phối hợp với lực lượng công an xã điều tiết giao thông, cụ 70 tuổi ra điều tiết giao thông trông rất phản cảm” - ĐB Hòa nói.

Ông cũng nói nhiệm vụ của lực lượng này cần được tăng thêm vì vùng sâu, vùng xa… nếu xảy ra chuyện gì thì công an xã khó lòng đến kịp để bảo vệ hiện trường, xử lý ban đầu.

Nếu lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở được thành lập thì không còn tồn tại lực lượng bảo vệ dân phố, khi đó phải bố trí, sắp xếp lại để tránh xảy ra tâm tư, mâu thuẫn.

Ở góc độ vĩ mô, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng nếu hình thành lực lượng mới này rồi thì cần nói rõ về các lực lượng cũ.

ĐB Tâm nói cần xác định nếu lực lượng này được thành lập thì “không còn tồn tại lực lượng bảo vệ dân phố” và phải bố trí, sắp xếp lại để tránh xảy ra tâm tư, mâu thuẫn không đáng có ở cơ sở. Mặt khác, lực lượng này nếu tiếp tục sử dụng công an xã bán chuyên trách thì phải “ưu tiên hàng đầu” cho họ và luật cần quy định cụ thể chứ không thể nói chung chung là đã có thời gian phục vụ trong công an, quân đội.

“Vì đối tượng này rất nhiều, nhất là công an chính quy đã nghỉ công tác, bộ đội phục viên, xuất ngũ về địa phương” - ĐB Tâm nói thêm.

Hiện cả nước có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Tính đến tháng 12-2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ ANTT và trung bình mỗi tổ có ba người thì tổng số có khoảng 254.163 người tham gia. Dự kiến tổng kinh phí chi theo quy định của dự thảo luật là 3.505 tỉ đồng/năm.

(Theo báo cáo của Chính phủ)

Phải giao UBND xã chứ không giao công an xã

ĐB Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho biết mình cũng là công an và ở cơ sở thời gian dài nên bà coi dự luật này là “đột phá và thiết thực”.

“Nếu dự luật này được thông qua sẽ giúp chúng tôi huy động được thêm nguồn lực để hỗ trợ lực lượng công an trong công cuộc giữ gìn ANTT. Quan trọng hơn là có thể tiếp tục sử dụng hiệu quả những cán bộ đã có kinh nghiệm tham gia vào các vị trí như công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng” - ĐB Phước nói và phân tích rõ hơn bối cảnh Tây Nguyên mà bà đang công tác cũng như đại diện cử tri.

Cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, ĐB Tô Văn Tám cho rằng đây là lực lượng quần chúng được UBND cấp xã tuyển chọn, thành lập, quản lý… nhằm hỗ trợ công an xã chính quy nên có hai vấn đề cần bàn.

“Chúng ta phải khẳng định lực lượng này thuộc quyền quản lý của UBND cấp xã” - ông Tám nói và đặt vấn đề lực lượng này có phải là “cấp dưới” của công an xã không. Nếu không thì không nên quy định cho công an xã “chỉ đạo điều hành” như trong dự luật. Công an xã chỉ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã dẫn lại các quy định về công an và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cũng như số lượng tới 300.000 người và cho rằng cần giao lực lượng này cho cấp ủy, UBND xã và hệ thống chính trị cấp xã quản lý, tổ chức, điều hành, phân công, tuyển dụng, kiểm tra và chăm lo chính sách.

“Liệu công an xã có khả năng chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, phân công kiểm tra để lực lượng này thực sự là lực lượng của dân, do dân, vì dân chứ không hành dân, hạch sách dân hay nhũng nhiễu dân? Khi đó thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Cấp ủy, UBND hay công an xã?” - ĐB Nghĩa lý giải cho đề xuất của mình.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đặt vấn đề khi ban hành luật này thì liệu tình hình ANTT ở cơ sở có được cải tiến tốt, tiến bộ hơn hay không? Bởi khi hình thành một lực lượng mới, có chế độ, được trang bị hẳn hoi nhưng chỉ với số lượng có hạn thì liệu có lường trước tình hình trật tự, an toàn xã hội sẽ đi về đâu.•

Nhiều khoản phải chi cho lực lượng này

Khoản 1 Điều 26 dự thảo luật quy định nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách của địa phương chi trả gồm năm điểm. Trong đó có nhiều nội dung phải chi trả ở địa phương như mua sắm trang thiết bị, phương tiện, bồi dưỡng, tập huấn, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở, trang phục, bồi dưỡng, hỗ trợ và các chế độ chính sách trợ cấp thường xuyên, BHXH, BHYT...

Quy định như vậy chúng tôi cho rằng nội dung chi và số tiền phải chi cho lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở là rất lớn.

ĐB ĐỖ THỊ LAN (Quảng Ninh)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm