Nhiều cơ hội để nông sản Việt đi châu Âu

(PLO)- Việt Nam là quốc gia có lượng gạo xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới nhiều năm liền nên cơ hội cho ngành gạo lần này là rất lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng Việt Nam (VN), lạm phát tại một số thị trường lớn như châu Âu, Mỹ… đang khiến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản lại có tăng trưởng tốt khi tận dụng được ưu đãi về thuế sau Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Xuất khẩu gạo phấn khởi

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Gạo Trung An, cho biết kinh tế thế giới cũng như VN bị suy giảm khá nhiều. Riêng ngành lương thực, thực phẩm (LTTP) do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, biến đổi khí hậu cực đoan làm cho lượng LTTP như lúa mì bị sụt giảm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính năm tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước tính đạt 1,97 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các chủng loại rau quả xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt. Riêng ngành gạo, năm tháng đầu năm xuất khẩu hơn 3 triệu tấn, thu về trên 2 tỉ USD.

Với sản lượng gạo xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới nhiều năm liền, cơ hội xuất khẩu gạo của VN hiện nay là rất lớn. “Châu Âu hay các quốc gia bị hụt nguồn cung lương thực thì phải gia tăng nhập khẩu và gạo VN đáp ứng các tiêu chuẩn đầu vào. Có khi VN còn tính tới tình huống không đủ gạo để xuất khẩu vì đơn hàng tương đối nhiều…” - ông Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, hiện nay giá gạo VN đã lên “tầm mới” khi xuất khẩu sang các thị trường thế giới. Nhìn chung tăng 25% so với trước đây như gạo 5% tấm đều trên 500 USD/tấn. Nguyên nhân một phần do nhu cầu thị trường tăng, một phần cho chi phí sản xuất tăng.

Trong khi đó, ở ngành rau quả, ông Nguyễn Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho biết năm 2023 dự báo xuất khẩu rau quả VN sang các thị trường ngoài Trung Quốc sẽ không tăng trưởng mạnh do lạm phát.

Ông Nguyên phân tích xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ hàng Việt bị “thất thế” từ năm ngoái đến nay. Do ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, thời gian vận chuyển từ VN sang châu Âu mất 30-45 ngày, chi phí vận chuyển tăng cao hơn.

“Nếu rau quả tươi đi bằng đường hàng không giá cao sẽ khó cạnh tranh với hàng hóa ở các nước Nam Mỹ, châu Phi. Nếu đi bằng đường tàu biển mất cả tháng mới đến nơi nên ảnh hưởng đến chất lượng rau quả” - ông Nguyên lý giải.

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết vấn đề là nhu cầu của khách hàng chịu chi tiêu hay không bởi chưa chắc hàng hóa có giá thấp DN sẽ bán được nhiều.

Gạo Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu về sản lượng xuất khẩu. Ảnh: T.UYÊN
Gạo Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu về sản lượng xuất khẩu. Ảnh: T.UYÊN

“Nhiều tháng qua đơn hàng của DN trong ngành thủy sản giảm liên tục và đang chờ hết quý II, hy vọng thị trường phục hồi. Chúng tôi không kỳ vọng quá nhiều trước tình hình thị trường thế giới đang còn nhiều diễn biến khó lường” - ông Hòe nói.

Một số DN khác nhìn nhận xung đột Nga - Ukraine đã tác động lớn lên kinh tế châu Âu nên hoạt động xuất nhập khẩu của DN VN chậm là tất yếu. Có thể hàng Việt mang lợi thế giá thấp nhưng chi phí tại quốc gia châu Âu tăng sẽ đội giá thành lên khá cao, sản phẩm đến với người dân vẫn tiếp tục tăng.

Vì vậy, nhiều DN cho biết sẽ tính toán lại mọi chi phí để đảm bảo giá xuất khẩu vẫn ổn định, nếu không khi bán sang châu Âu khả năng hàng Việt khó tiêu thụ hơn.

Trong thách thức có thời cơ

Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), phân tích hiện nay ở châu Âu nguồn cung lương thực giảm. Nguyên nhân là do năm ngoái gặp khủng hoảng năng lượng, cộng với xung đột Nga - Ukraine khiến việc cung cấp đầu vào nguyên liệu thực phẩm chế biến của DN châu Âu bị gián đoạn. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất của DN châu Âu tăng cao, lợi nhuận giảm khiến họ phải tăng giá hàng hóa hoặc thu hẹp sản xuất. Do đó, nguồn cung LTTP chế biến giảm mạnh.

Theo TS Điền, khi các nước châu Âu thiếu hụt nguồn cung LTTP chế biến thì đây là cơ hội để DN Việt đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành chế biến LTTP của VN sẽ gặp thách thức bởi tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu khắt khe như hàng hóa phải đạt xanh, thân thiện với môi trường, truy xuất nguồn gốc…

“Chúng ta chỉ lo ngại hàng Việt sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh nguồn cung LTTP châu Âu dồi dào. Hơn nữa, chi phí sản xuất của VN thấp so với chi phí sản xuất ở châu Âu, nên nếu DN Việt tiếp cận thị trường châu Âu ở thời điểm này vẫn có thể cạnh tranh được” - TS Điền nói.

Theo TS Điền, nếu DN nào đạt chuẩn xuất khẩu sang châu Âu thì nên cố gắng “tấn công” thị trường này. Cùng với EVFTA đã có hiệu lực nên đây là cơ hội để DN Việt tiếp cận thị trường châu Âu, giúp phát triển ngành chế biến LTTP.

“Điều này cũng góp phần thay đổi bộ mặt xuất khẩu của VN bởi trước giờ ngành chế biến LTTP chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và chủ yếu xuất nông sản thô. Trong khó khăn, thách thức cũng có thời cơ. Nếu chúng ta tận dụng được sẽ mở rộng được thị trường” - TS Điền nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết đây vừa là cơ hội nhưng đặt ra nhiều thách thức cho DN Việt. Tuy nhiên, thị trường chính mà VN xuất khẩu không phải châu Âu mà là Trung Quốc. Điều này minh chứng sau khi Trung Quốc mở cửa toàn diện sau “zero COVID” với VN, xuất khẩu hàng hóa của VN tăng cao.

Trong khi đó, thị trường châu Âu khó tính, đòi hỏi sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng mà hàng VN chưa đáp ứng nhiều. “Việc DN nỗ lực nắm bắt thị trường là cả bài toán, không phải một sớm một chiều nhưng đây đúng là cơ hội cho DN tận dụng” -TS Thịnh nói.

Không lo cạnh tranh ở thị trường châu Âu

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TP.HCM, cho biết: Có thể trong giai đoạn ngắn hạn, khi EU nói riêng và thế giới nói chung đang gặp một số khó khăn về kinh tế, địa chính trị, đâu đó sẽ có những lĩnh vực mà đơn hàng có thể sụt giảm xuất khẩu.

Tuy nhiên với EVFTA, thị trường EU đương nhiên có nhu cầu đa dạng hóa các nguồn cung. Ngoài ra, theo lộ trình cắt giảm thuế mà EU đồng ý cho VN tối đa là bảy năm. Như vậy, hàng VN đang có nhiều lợi thế cạnh tranh về thuế.

“Chúng tôi tin rằng nếu DN chuẩn bị tốt từ khâu làm nguyên liệu, vận tải, đảm bảo môi trường sản xuất… thì xuất khẩu sang EU không phải là khó và dư địa rất lớn. Chúng ta sẽ không sợ cạnh tranh ở thị trường này” - ông Lữ nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm