Sáng 26-3, tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, các ĐB cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến tổ chức TAND.
Hiện dự thảo đang thể hiện thành hai phương án. Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện. Phương án 2: Đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.
Nêu ý kiến, ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) ủng hộ phương án giữ nguyên như quy định hiện hành bởi tòa án đang tổ chức theo mô hình 4 cấp, đây là mô hình kết hợp giữa mô hình tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ và mô hình tổ chức theo cấp xét xử.
“Phương án đổi tên gọi như dự thảo chỉ là vấn đề hình thức, chứ không thay đổi về nội dung và phương thức. Vì vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử” - theo ĐB Thanh Thúy.
Ngoài ra, ĐBQH tỉnh Tây Ninh cũng cho rằng việc đổi tên gọi sẽ dẫn tới việc không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương như cơ quan điều tra, VKS… Từ đó dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan, nhất là các luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Đồng thời, phát sinh chi phí tuân thủ như con dấu, biển hiệu, giấy tờ…
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng dù tên gọi tòa án cấp tỉnh, cấp huyện gắn với đơn vị hành chính địa phương nhưng hoạt động của tòa án vẫn độc lập với bộ máy chính quyền địa phương. Cơ cấu tổ chức vẫn thuộc sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của TAND Tối cao; công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo ngành dọc mà không chịu sự chi phối của chính quyền địa phương.
“Hệ thống tòa án hiện nay hoạt động ổn định, hiệu quả và có sự thống nhất giữa các văn bản có liên quan trong hệ thống pháp luật” - ĐB Việt Nga cho hay.
Nói về phương án 2, ĐB Việt Nga cho rằng sự thay đổi này “không cần thiết”, việc đổi mới này không tạo ra những chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử.
ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng nội dung nói trên trình tại kỳ họp 6 với kỳ vọng tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không giới hạn bởi địa giới hành chính. Tuy nhiên, nội hàm của vấn đề này dự thảo luật lại không thể hiện được.
“Lần này quay lại phương án 1, vẫn giữ nguyên như cũ, tôi rất đồng tình” - ĐB Hải nêu quan điểm.
Đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai
Nêu ý kiến về quy định liên quan đến việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng với việc ghi hình ảnh, âm thanh và lan truyền thông tin một cách quá dễ dàng như hiện nay thì việc quy định chặt chẽ việc đưa tin, thông tin tại các phiên tòa là vô cùng cần thiết.
Theo ĐB Việt Nga, việc thông tin không đầy đủ, không chính xác, chỉ thông tin các nội dung, tình tiết nhằm định hướng dư luận là vô cùng nguy hiểm, có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật và làm giảm niềm tin của nhân dân vào chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thực tế cho thấy rất nhiều vụ việc, vụ án được đưa tin tràn lan trên báo chí, mạng xã hội, Internet một cách không chính thống. Cùng với đó là sự phân tích, công kích… và rất nhiều cảm xúc khác nhau đến từ hàng ngàn người, tạo những tác động và áp lực không nhỏ đến người tiến hành tố tụng của vụ án.
Tuy nhiên, theo bà Nga, nội dung này cần “rà soát và quy định cẩn trọng, không làm trái nguyên tắc xét xử công khai của Tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.