Cụ thể, theo cơ quan này, Facebook đang không đáp ứng tốt việc bóc gỡ các Fanpage có những hoạt động kích động chống phá Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Hiện nay trên Facebook đang cho phép tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm có nhiều bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước. Điều đáng nói, những nội dung sai sự thật và xuyên tạc này được tung ra và lan truyền theo từng đợt từng dịp, rất nhiều tổ chức phản động... đã lợi dụng mạng xã hội Facebook để bôi nhọ, nói xấu với mục đích chính trị. Những nội dung đó đã vi phạm nghiêm trọng Luật An ninh mạng Việt Nam, Nghị định 72/2013 của Chính phủ và Thông tư 38 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các cơ quan quản lý đã liên tục gửi công văn, email nhiều lần yêu cầu Facebook gỡ bỏ những nội dung xuyên tạc, sai lệch. Thế nhưng, mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đã liên tục trì hoãn, thậm chí không gỡ bỏ với lý do nội dung không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
Thậm chí, mạng xã hội này cũng không cung cấp thông tin các tài khoản lừa đảo, vi phạm pháp luật Việt Nam để phục vụ điều tra của cơ quan an ninh.
Các dịch vụ quảng cáo trên Facebook không tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Ảnh Internet.
Ngoài ra, Facebook đang cho phép quảng cáo các sản phẩm bất hợp pháp tại Việt Nam như tiền giả, hàng giả, vũ khí, pháo,... một cách công khai mà không qua bất kỳ một sự kiểm duyệt nào.
Một thuật ngữ mới có tên "Quảng cáo chính trị" xuất phát từ chính mạng xã hội này với lượng người dùng khổng lồ. Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Quảng cáo chính trị là một mối nguy hại rất lớn. Tại các dịp quan trọng của Việt Nam như đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương,... xuất hiện rất nhiều loại quảng cáo với nội dung xuyên tạc, định hướng dư luận.
Theo số liệu dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, nhưng trong đó quảng cáo chi tiêu cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, còn Google chiếm 152,1 triệu USD. Như vậy chỉ riêng Google và Facebook đã chiếm đến 66,7% thị phần quảng cáo Việt Nam trong năm 2018. Thế nhưng hai "ông lớn" này vẫn "dửng dưng" với nghĩa vụ phải đóng thuế tại Việt Nam.
Nhiều hình ảnh quảng cáo với nhiều nội dung phản cảm, thiếu kiểm chứng trên facebook.
Thực tế, có những nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật của Việt Nam nhưng vì có tiền quảng cáo đổ về nên Facebook vẫn để chúng tồn tại. Việc những doanh nghiệp nước ngoài như Facebook không đóng thuế vừa khiến nhà nước thất thu vừa thả nổi thị trường quảng cáo trực tuyến.
Để chấn chỉnh, cơ quan quản lý sẽ có nhiều hướng xử lý đối với những vi phạm của Facebook tại Việt Nam.
Theo đó, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật. Yêu cầu bổ sung các cam kết tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam trong Thỏa thuận giữa các Nhà cung cấp dịch vụ và Facebook.
Ngoài ra, Facebook phải phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý các hoạt động thanh toán, thuế đối với các giao dịch thương mại, quảng cáo tại Việt Nam. Và nếu Facebook không có những động thái tích cực, các cơ quan quản lý Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế - kỹ thuật cần thiết nhằm đảo bảo một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh.
Theo Cục Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), các công ty này có rất nhiều cách để “gây sức ép” lên các cơ quan quản lý nhà nước và các lãnh đạo ở Việt Nam, có lúc thì thông qua đường ngoại giao, các tổ chức “lobby chính sách” của Mỹ như các liên minh, hiệp hội hay hội đồng các loại, mà luôn có cách để né tránh, trì hoãn và không tuân thủ triệt để các yêu cầu của các cơ quan chức năng về việc tuân thủ luật pháp Việt Nam. Facebook và các tổ chức “lobby chính sách” cho họ cũng rất “giỏi” trong việc câu giờ, đánh tráo khái niệm, né tránh các vấn đề nhạy cảm, chỉ đề nghị họp, gặp mặt, rồi lại hẹn gặp mặt mà gần như không cam kết gì, đặc biệt không bao giờ cam kết bằng văn bản, thoả thuận, thể hiện sự không tôn trọng các nguyên tắc hợp tác cơ bản với các cơ quan nhà nước khi kinh doanh và cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Một điều quan trọng nữa là các đại diện được cử sang làm việc với Việt Nam lại không phải là những người có thể ra quyết định, nên làm mất thì giờ của các cơ quan Việt Nam. |