Từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 8-2020, chương trình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) sẽ được cơ quan chức năng áp dụng phương thức mới (theo lộ trình).
Chương trình đào tạo này có nhiều điểm khác biệt so với chương trình cũ. Điển hình như điểm danh bằng vân tay, sử dụng thiết bị mô phỏng, áp dụng bộ đề mới với 600 câu hỏi…
Ứng dụng công nghệ trong đào tạo lái xe
Theo khảo sát của PV, hiện nay các cơ sở đào tạo ở TP.HCM đã trang bị công nghệ ứng dụng trong đào tạo lái xe. Đáng chú ý là công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với người học lái ô tô (trừ hạng B1).
Theo đó, việc điểm danh này sẽ được áp dụng vào thời điểm học viên quay lại học lái xe (sau thời gian giãn cách xã hội). Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này khiến nhiều người học thắc mắc. Cụ thể, đối với người đã theo học trước khi áp dụng hình thức này sẽ được điểm danh tiếp theo như thế nào? Nếu trước đó chưa được điểm danh theo công nghệ này thì có đủ điều kiện để tham gia thi sát hạch GPLX hay không?
Anh Chu Văn Đạt (ngụ quận Bình Tân) thắc mắc: “Tôi đã học lái xe được hai tháng nhưng sắp tới tôi đi học trở lại không biết sẽ được điểm danh bằng phương thức cũ hay mới nữa. Nếu điểm danh theo phương thức mới thì tôi sợ không đủ số buổi học”.
Ngoài ra, các đơn vị đào tạo lái xe cũng đã thực hiện giám sát bằng camera có độ phân giải cao đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch. Cụ thể các đơn vị đào tạo sẽ lấy hình ảnh từ vạch xuất phát, dừng, khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc… Tất cả được truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT.
Đối với đề thi lý thuyết, Bộ GTVT cũng đã có quyết định lùi thời gian áp dụng bộ đề 600 câu tới ngày 1-8.
Chị Hải Âu (học viên đăng ký học tại một trường đào tạo lái xe ở quận 12, TP.HCM) cho hay: “Nếu tới ngày 1-8 áp dụng bộ đề 600 câu hỏi thì tôi không biết bây giờ học tôi sẽ học theo bộ đề mới hay cũ. Nếu là bộ đề cũ thì tới ngày 1-8 mà áp dụng liệu tôi có thi được không?”.
Từ ngày 11-5, các trung tâm dạy lái xe sẽ áp dụng công nghệ nhận dạng để điểm danh học viên. Ảnh: THY NHUNG
Chỉ áp dụng đối với những khóa khai giảng mới
Đối với băn khoăn khi áp dụng bộ đề 600 câu từ ngày 1-8, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ, lý giải thay vì học viên được đào tạo 450 câu, học 60 tiết thì sẽ tăng lên 80 tiết.
Những học viên nào thi sát hạch GPLX sau ngày 1-8 sẽ được các cơ sở đào tạo cung cấp bổ sung để đảm bảo đủ kiến thức khi thi. Việc học bổ sung này sẽ hoàn toàn miễn phí vì nó đã nằm trong học phí mà học viên đã nộp trước đó.
Về việc áp dụng công nghệ nhận dạng, ông Dũng thông tin: “Bộ GTVT không đồng ý đề xuất hoãn việc điểm danh bằng máy của Tổng cục Đường bộ, vì vậy các trường đã trang bị đầy đủ thiết bị này. Trong thời gian tới, các học viên quay lại học sẽ áp dụng điểm danh bằng vân tay”.
Quy định số giờ học lái xe Theo quy định tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, tổng số giờ một khóa đào tạo như sau: Hạng B1 là 476 giờ (lý thuyết 136 giờ, thực hành lái xe 340 giờ). Xe số cơ khí là 556 giờ (lý thuyết 136 giờ, thực hành lái xe 420 giờ). Đối với hạng B2 là 588 giờ (lý thuyết 168 giờ, thực hành lái xe 420 giờ). Đối với hạng C là 920 giờ (lý thuyết 168 giờ, thực hành lái xe 752 giờ). Như vậy, số giờ học lý thuyết sẽ được ứng dụng cập nhật và lưu dữ liệu cho mỗi lần học của học viên. Khi học viên đảm bảo đủ số giờ học lý thuyết mới đủ điều kiện thi sát hạch GPLX. |
Ông Dũng cho biết đối với học viên đang được đào tạo trước ngày 1-5 sẽ không phải áp dụng hình thức nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết. Thông thường khai giảng lớp sẽ được học lý thuyết đầu tiên, vì vậy những người này gần như đã học xong chương trình lý thuyết. Theo đó, chỉ các lớp khai giảng trong tháng 5 này mới điểm danh bằng vân tay theo quy định của Bộ GTVT.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch - cấp GPLX TP.HCM, cho hay các khóa học mới khai giảng từ ngày 11-5 (thời gian các học viên quay trở lại học lái xe) học viên sẽ được nhận diện bằng chụp ảnh so sánh khuôn mặt, so sánh vân tay người học.
Theo đó, học viên ngoài chụp ảnh như lâu nay thì sẽ phải thêm phần đăng ký vân tay. Như vậy, khi học viên học lý thuyết, tập lái hoặc thi sát hạch (lý thuyết, thi tay lái trong hình và trên đường trường) đều phải qua chụp ảnh, nhận dạng vân tay đúng với đăng ký thì mới được học, được thi.
Về vấn đề trên, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cũng cho biết sở đã có văn bản triển khai cho các trường và cơ sở sát hạch trước đó. Sau thời gian áp dụng, sở sẽ có kế hoạch kiểm tra các đơn vị dạy lái xe thực hiện như thế nào.
Một số điểm mới bộ đề 600 câu hỏi Môn học cấu tạo và sửa chữa thông thường sẽ có nội dung “Hệ thống an toàn chủ động” với thời lượng 1 giờ; môn kỹ thuật lái xe có “Kỹ thuật lái xe an toàn chủ động” với 2,5 giờ; môn nghiệp vụ vận tải có “Trách nhiệm của người kinh doanh vận tải” với 3 giờ. Môn “Đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông” được đổi thành “Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông”. Trong đó, nội dung “Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông” chiếm 2 giờ. Về số lượng câu hỏi, đề thi sát hạch hạng B1 vẫn giữ nguyên 30 câu. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi sát hạch hạng B2 tăng từ 30 câu lên 35 câu. Số lượng câu hỏi sát hạch hạng C tăng từ 30 lên 40 câu. Số lượng câu hỏi sát hạch hạng D, E, F tăng từ 30 lên 45 câu. Những đề sát hạch này được máy tính lấy ngẫu nhiên trong bảy chương của bộ câu hỏi (540 câu) và có một câu hỏi bắt buộc phải trả lời đúng lấy từ bộ 60 câu hỏi điểm liệt. Người dự thi sát hạch trả lời đúng mỗi câu hỏi được 1 điểm. Trong đó, điểm yêu cầu đạt (trừ điểm trong bộ câu hỏi điểm liệt) đối với hạng B1 số sàn và B1 số tự động là 27/30, hạng B2 là 32/35, hạng C là 36/40, hạng D, E, các hạng F là 41/45. |