Nhiều điểm sáng trong cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu

Mới đây, đài CNN dẫn báo cáo tổng hợp của hãng tin AFP cho biết tình hình đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc khi số ca nhiễm mới hằng ngày giảm kỷ lục gần 45% (từ hơn 740.000 xuống chỉ còn hơn 410.000) trong năm ngày qua. AFP khẳng định đây là mức giảm lớn nhất và kéo dài nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm ngoái.

Nhân viên y tế làm việc tại một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở TP Oklahoma (Mỹ)  hồi tháng 1-2021. Ảnh: CNN

“Dù còn nhiều quốc gia vẫn đang tăng số ca mắc nhưng ở cấp độ toàn cầu, thực tế trên rất đáng khích lệ. Tất cả khu vực đều báo cáo đang giảm số ca nhiễm mới, với năm trong tổng số sáu khu vực đạt mức giảm hơn 10%” - báo cáo nêu rõ.

Giãn cách xã hội tiếp tục phát huy tác dụng

Theo giới chuyên gia, dữ liệu mới phản ánh tính hiệu quả của các biện pháp mạnh tay nhằm duy trì giãn cách xã hội của chính quyền một số quốc gia. Đơn cử, hai nước có mức giảm ca mới hằng ngày nhiều nhất trong báo cáo của AFP là Bồ Đào Nha (54%) và Israel (39%) - vốn đều là hai quốc gia đang áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Tây Ban Nha, Nhật, Nam Phi và Colombia cũng đều đạt được mức giảm khá ấn tượng (trên 35%) nhờ duy trì các hình thức giãn cách xã hội nhưng không tới mức quá nghiêm ngặt như hai nước trên.

Hơn nữa, bản thân người dân ở đây đã góp phần không nhỏ vào thành công đẩy lùi COVID-19 khi đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng chống dịch, tuân thủ các hướng dẫn của nhà chức trách về đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng chất diệt khuẩn và khai báo y tế đầy đủ.

Trong khi đó, dù Mỹ chỉ ghi nhận mức giảm vào khoảng 19% song số ca nhiễm mới hằng ngày đã xuống dưới ngưỡng 100.000. “Các biện pháp y tế được thực hiện chặt chẽ hơn vào cuối năm 2020 dẫn đến kết quả là chúng ta đang bắt đầu biết cách kiểm soát quá trình lây lan của virus” - TS Charlie Harper thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) nhận định.

Trước diễn biến khả quan này, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ra thông báo trường học các cấp mở cửa lại một cách an toàn và càng sớm càng tốt, đồng thời đưa ra một kế hoạch chi tiết để hạn chế sự lây lan của COVID-19 gồm khuyến khích người dân đeo khẩu trang, rửa tay và khử trùng thường xuyên cũng như tăng cường nỗ lực truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.

Thế giới đẩy mạnh tiêm vaccine diện rộng

Trong tháng qua, nhiều nước đã bắt đầu triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 hàng loạt và đây có thể lại là một yếu tố quan trọng khác giúp kiểm soát tình hình dịch trên toàn cầu. Đơn cử, số liệu của CDC Mỹ cho biết trung bình 1,49 triệu liều vaccine đã được tiêm mỗi ngày trong tuần trước, tăng từ mức trung bình 900.000 liều vào tháng 1. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã ký thỏa thuận đặt mua thêm 200 triệu liều vaccine từ nhiều hãng dược khác nhau và đang trên đà cung cấp đủ vaccine cho 300 triệu người Mỹ vào tháng 7.

Tính đến nay, hàng trăm công ty đã bước vào nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19, tạo thành cuộc đua trên toàn thế giới. Có thể kể đến Sputnik V (Nga), Pfizer/ BioNTech (Mỹ - Đức), Novavax (Mỹ), Johnson & Johnson (Mỹ), Moderna (Mỹ), Inovio (Mỹ), Covaxin (Ấn Độ), Sinovac, Sinopharm (Trung Quốc)...

Một thông tin đáng chú ý khác vừa được Trung tâm Y tế Clalit, một trong bốn trung tâm y tế lớn nhất Israel, công bố rằng vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất giảm tới 94% các trường hợp nhiễm COVID-19 biểu lộ triệu chứng được tiêm đủ hai liều tại đây, theo đài CNBC. Vaccine cũng làm giảm tỉ lệ bệnh trở phát nặng tới 92% so với những người không được tiêm chủng ở mọi độ tuổi. Hiện Israel là nước triển khai chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới với 44% dân số được tiêm một liều, 28% được tiêm hai liều.

Cũng cần lưu ý là vaccine của Pfizer/BioNTech là một trong những loại vaccine được Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) chứng nhận an toàn và được thêm vào ngân hàng lưu trữ của Cơ chế COVAX do tổ chức này tài trợ. WHO ngày 15-2 cũng vừa phê duyệt bổ sung vaccine do hãng dược AstraZeneca-SKBio (Hàn Quốc), ĐH Oxford (Anh) và Viện Công nghệ sinh học Serum (Ấn Độ) phối hợp nghiên cứu và sản xuất nhờ giá thành hợp lý. Vaccine này cũng được đánh giá là dễ phân phối do không yêu cầu điều kiện nhiệt độ lưu trữ khắt khe.

Theo trợ lý tổng giám đốc WHO Mariangela Simao, việc phê duyệt và đưa thêm vaccine vào Cơ chế COVAX sẽ giúp hỗ trợ tối đa các nước đang phát triển tiêm chủng cho các nhân viên y tế và các nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm cao, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phân phối công bằng vaccine trên toàn cầu của COVAX. Dù vậy, bà Simao cũng nêu rõ thời gian tới phải cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phân phối và các hãng dược, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm được khuyến khích gửi càng nhiều mẫu vaccine càng tốt lên cho các chuyên gia WHO thẩm định.

109 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã được trang thống kê Worldometers tính đến chiều 16-2 (giờ Việt Nam). Số ca tử vong vì đại dịch vào khoảng 2,4 triệu trong khi số người được chữa khỏi đã lên tới 84,3 triệu. 

Dòng tiền khủng đổ vào công cuộc nghiên cứu vaccine toàn cầu

Theo tờ The New York Times, các loại vaccine nói chung thường đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm trước khi được đưa vào sử dụng. Nhưng vaccine chủng ngừa COVID-19 đang được tung ra thị trường với tốc độ rất nhanh, bỏ xa thời gian phát triển điển hình là phải mất nhiều năm. Tốc độ này đạt được một phần do các cường quốc như Mỹ, nơi có chương trình Warp Speed với ngân sách lên tới 18 tỉ USD - chương trình tìm kiếm thuốc và vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả, đã tài trợ cho việc phát triển và sản xuất hàng chục loại vaccine khác nhau.

Cuộc đua vaccine COVID-19 cũng nhận được sự ủng hộ “khủng” về tài chính từ các tổ chức, cá nhân khác. Hãng tin Reuters cho hay Quỹ Gates - quỹ từ thiện của vợ chồng tỉ phú Bill Gates đã cam kết tài trợ đến 1,75 tỉ USD cho các nỗ lực toàn cầu nhằm phát triển, phân phối vaccine và phương pháp điều trị chống lại đại dịch COVID-19, cũng như phát lời các nhà tài trợ quốc tế khác cùng góp sức hỗ trợ tài chính. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới