Nhiều điều đáng chú ý về Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson

(PLO)- Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Johnson vừa được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ, chấm dứt ba tuần đầy biến động khi Hạ viện thiếu vắng lãnh đạo. Nhân vật này có gì đáng chú ý?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 25-10 (giờ địa phương), trong cuộc bỏ phiếu toàn thể tại Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Johnson (đại diện bang Louisiana) giành được 220 phiếu ủng hộ, vượt qua ngưỡng cần thiết 217 phiếu, để trở thành Chủ tịch Hạ viện thứ 56 của Mỹ.

Ông Johnson được bầu làm hạ nghị sĩ lần đầu tiên vào năm 2016 và kể từ đó, ông thăng tiến lên nhiều cấp bậc.

Vị Hạ nghị sĩ từng giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu của đảng Cộng hòa và trở thành phó chủ tịch Hội nghị đảng Cộng hòa tại Hạ viện từ năm 2021. Ông cũng là thành viên Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Dịch vụ Vũ trang của Hạ viện.

Trước khi ông Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, cơ quan lập pháp của Mỹ đã trải qua hơn 3 tuần bế tắc trong việc tìm kiếm lãnh đạo mới sau khi ông Kevin McCarthy bị bãi nhiệm.

Johnson.jpg
Ông Mike Johnson phát biểu tại tại Điện Capitol, thủ đô Washington D.C (Mỹ) sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ ngày 25-10. Ảnh: AFP

Trang Business Insider nhận định rằng sở dĩ ông Johnson, một cái tên “tương đối xa lạ”, được chọn là vì ông “không có kẻ thù lớn”. Tân Chủ tịch Hạ viện có mối quan hệ tốt với các thành viên cánh hữu cứng rắn của Hạ viện và “có tính tập thể và đủ khiêm tốn” để các hạ nghị sĩ theo đường lối mềm mỏng chấp nhận.

Dưới đây là một số thông tin đáng chủ ý về tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Phản đối kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020

Ngày 6-1-2021, ông Johnson là một trong 147 hạ nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu ngăn chặn sự xác nhận của đại cử tri cho chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Tờ The New York Times từng gọi ông Johnson là “kiến trúc sư quan trọng nhất trong sự phản đối của đại cử tri” vì ông đã sử dụng tài năng của mình, vốn là một luật sư về luật hiến pháp, để đưa ra lập luận nhằm tìm cách giúp Tổng thống khi đó là ông Donald Trump tiếp tục nắm quyền.

Johnson-my.jpg
Ông Mike Johnson phát biểu tại Hạ viện Mỹ vào ngày 6-1-2021. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo quan điểm của ông Johnson, kết quả bầu cử năm 2020 không nên được công nhận vì những thay đổi của một số bang đối với thủ tục bỏ phiếu trong thời kỳ đại dịch COVID-19 là vi hiến. Đây được cho là một lập luận “dễ chấp nhận hơn” so với tuyên bố của ông Trump rằng cuộc bầu cử có gian lận.

Một ngày sau khi quốc hội Mỹ tuyên bố ông Biden đắc cử tổng thống, ông Johnson đã gọi điện cho ông Trump và khuyến khích cựu Tổng thống “tiếp tục chiến đấu”.

Ngày 26-10, sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, ông Johnson từ chối trả lời câu hỏi về vai trò của mình trong việc phản đối kết quả bầu cử năm 2020.

Phản đối viện trợ cho Ukraine cùng số lần phủ quyết đáng chú ý

Ông Johnson liên tục bỏ phiếu chống lại việc gửi viện trợ của Mỹ cho Ukraine, thậm chí là đợt viện trợ đầu tiên vào tháng 5-2022, khi chỉ có 57 hạ nghị sĩ Cộng hòa phản đối.

“Chúng ta không nên gửi thêm 40 tỉ USD ra nước ngoài khi biên giới của chúng ta đang hỗn loạn, các bà mẹ người Mỹ đang phải chật vật mua sữa cho con, giá xăng đang ở mức cao kỷ lục và các gia đình Mỹ đang vật lộn để kiếm sống trong khi không biết rằng số tiền đó sẽ đi về đâu” - ông Johnson nói vào thời điểm đó.

Tháng trước, ông Johnson cũng nằm trong số 93 hạ nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ một đề xuất của Hạ nghị sĩ Matt Gaetz (người dẫn đầu việc bãi nhiệm ông McCarthy) nhằm cắt đứt viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.

Bên cạnh đó, số lần phủ quyết của ông Johnson trong những vấn đề khác cũng rất đáng chú ý.

Trong hai năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, ông Johnson bỏ phiếu chống lại một loạt dự luật lưỡng đảng, bao gồm đạo luật thành lập ủy ban độc lập điều tra vụ bạo loạn ngày 6-1 tại trụ sở quốc hội Mỹ, Đạo luật Việc làm và đầu tư hạ tầng, Đạo luật Khoa học và CHIPS,...

Gần đây nhất, ngày 30-9, ông Johnson bỏ phiếu chống lại dự luật tạm thời ngăn chính phủ đóng cửa.

Phản đối quyền phá thai và quyền cho cộng đồng LGBTQ

Theo đài ABC News, ông Johnson bỏ phiếu chống lại tất cả luật ủng hộ quyền phá thai trong suốt thời gian ông làm việc tại Hạ viện.

Vị hạ nghị sĩ bỏ phiếu chống lại đạo luật lưỡng đảng bảo vệ hôn nhân đồng giới, hiện đã được Tổng thống Biden ký thành luật. Ông cũng là tác giả của “Đạo luật ngăn chặn tình dục trẻ em năm 2022”.

Đạo luật của ông đề xuất cấm sử dụng quỹ liên bang để quảng bá “bất kỳ chương trình, sự kiện hoặc tài liệu nào có khuynh hướng tình dục dành cho trẻ em dưới 10 tuổi” và cấm sử dụng nguồn tài trợ liên bang cho các chương trình về người chuyển giới.

Một Chủ tịch Hạ viện tương đối ít kinh nghiệm

Johnson-ha-vien.jpg
Ông Mike Johnson (giữa) phát biểu cùng các hạ nghị sĩ Cộng hòa tại Điện Capitol, thủ đô Washington D.C (Mỹ) sau khi được các hạ nghị sĩ Cộng hòa đề cử vị trí chủ tịch Hạ viện hôm 24-10. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Với thời gian phục vụ tại Hạ viện chưa đầy 7 năm, ông Johnson được đánh giá là có ít kinh nghiệm hơn những chủ tịch Hạ viện trước đó trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ.

Cụ thể, ông Kevin McCarthy làm việc tại Hạ viện 16 năm, bà Nancy Pelosi phục vụ tại Hạ viện 20 năm, ông Paul Ryan có 16 năm và ông John Boehner có 20 năm làm hạ nghị sĩ trước khi lên giữ chức vụ cao nhất của Hạ viện.

Trước cuộc bỏ phiếu ngày 25-10, nhiều thành viên quốc hội nói rằng họ biết rất ít về ông Johnson. Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa thậm chí còn nói rằng họ chưa từng gặp ông.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney nói với ABC News rằng ông biết “rất ít về ông Johnson”, nhưng nói thêm rằng sẽ “thú vị để xem Hạ viện vận hành như thế nào khi họ chọn một chủ tịch chưa có kinh nghiệm lãnh đạo”.

Trong bài phát biểu sau khi được bầu làm lãnh đạo Hạ viện, ông Johnson cho biết sẽ không tổ chức tiệc ăn mừng chức vụ mới mà sẽ lập tức làm việc để giải quyết những vấn đề của Hạ viện.

Ông Johnson nói sẽ nhanh chóng đưa ra một nghị quyết bày tỏ sự đoàn kết và ủng hộ đối của Mỹ với Israel. Tiếp theo là sẽ giải quyết vấn đề mà ông gọi là “biên giới bị phá vỡ” của Mỹ với Mexico.

Tân Chủ tịch Hạ viện không đề cập cuộc điều tra luận tội Tổng thống Biden cũng như nguy cơ chính phủ sắp đóng cửa vào tháng tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm