Tại đây, bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài - Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết doanh nghiệp (DN) Việt phải chống đỡ 59 vụ việc liên quan đến bán phá giá từ trước 2005 đến nay".
Theo bà Giang, xu hướng hàng hóa các DN Việt bị điều tra ngày càng tăng. Chỉ trong đầu tháng 11-2015 có đến 11 vụ về chống bán phá giá trong đó có sáu vụ về thép. Ngoài thị trường chính là Mỹ, EU các thị trường đang phát triển như Ấn độ, Thỗ Nhĩ Kỳ, Barazil cũng đang tích cực điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam.
Gần đây, một số thị trường mới nổi thuộc các nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia do cần bảo vệ nền sản xuất của mình, họ cũng bắt đầu điều tra các mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là ngành thép .
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết khi nền kinh tế suy thoái các nước tăng cường biện pháp bảo vệ nền sản xuất trong nước bằng biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó khi càng tự do thương mại bao nhiêu thì DN càng phải chuẩn bị đầy đủ để đối phó. Vai trò của hiệp hội, DN rất lớn trong việc đoàn kết với nhau để khi quyền lợi bị xâm hại có thể đảm bảo được quyền lợi không chỉ riêng cho DN mà cả ngành sản xuất.
Trong khi đó Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết hiện nay đa số các DN đều không biết rõ ràng về chống bán phá giá, phòng vệ thương mại như thế nào? Trong ngành chăn nuôi đa số là các DN nhỏ và vừa không hiểu luật, có DN lời 50-70 tỉ đồng nhưng bỏ ra 1-2 tỉ đồng để đi kiện thì không biết kiện cho thắng hay không… Do đó Cục nên tuyên truyền để DN hiểu, làm và làm tích cực hơn.