Đây là thực tế được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16-12 ở Hà Nội.
Ông Tô Thái Ninh, Phó Trưởng phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương), cho rằng việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) là sự cạnh tranh khắc nghiệt. Theo đó, khi tham gia Việt Nam phải cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan; từ đó hàng hóa từ nước ngoài có chất lượng tốt hơn giá rẻ hơn thâm nhập thị trường, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Ngành sản xuất của Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà, khi giá hàng hóa không cạnh tranh được đồng thời cũng không xuất khẩu được.
Tôn thép là mặt hàng chịu sức ép cạnh tranh lớn từ hàng ngoại nhập
Hiện nay, biện pháp truyền thống được các nước thường áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước là biện pháp thuế quan. Khi hội nhập sâu rộng, mức độ cắt giảm thuế quan càng nhanh càng mạnh thì hàng rào thuế quan không còn tác dụng. Thay vào đó là biện pháp hàng rào kỹ thuật; vậy nhưng ở Việt Nam, khi xây dựng hàng rào kỹ thuật quá cao thì hạn chế sản xuất trong nước, nếu xây dựng thấp thì các nước dễ dàng đáp ứng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh, cho biết trong thương mại còn ba công cụ phòng vệ thương mại cho phép các quốc gia sử dụng gồm tự vệ, chống trợ cấp và chống bán phá giá. Biện pháp phòng vệ là bảo vệ doanh nghiệp (DN) trong nước và bảo vệ DN xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng nhiều DN chưa nhận thức rõ biện pháp phòng vệ thương mại như là một biện pháp bảo vệ các DN sản xuất trong nước. Thậm chí, nhiều DN chưa chủ động nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để tự bảo vệ mình.
Bên cạnh đó, DN chưa có phòng ban hay nhân sự chuyên trách về vấn đề phòng vệ thương mại, không đủ tiềm lực tài chính để thuê luật sư và theo đuổi vụ kiện phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, có một số DN mang nặng tâm lý e ngại, né tránh tham gia các vụ kiện; một số hiệp hội, ngành hàng còn yếu, chưa đủ khả năng tập hợp các DN cùng khởi kiện.