Ngày 3-5, một nguồn tin xác nhận Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum vừa có kết quả điều tra ban đầu vụ hơn 25 ha rừng bị chết ở lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum, huyện Kon Plông (Kon Tum).
|
Rừng ở khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum bị chết. Ảnh: HP |
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum xác định trách nhiệm để hơn 25 ha rừng bị chết thuộc về nhiều đơn vị như Công ty CP Đo đạc và bản đồ viễn thám (đơn vị được thuê tư vấn, đo đạc lập bản đồ, cắm mốc vùng ngập nước), chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh.
Ngoài ra, vụ việc này còn thuộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc giám sát, thẩm định hồ sơ trước khi trình UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt diện tích thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Cụ thể, Công ty CP Đo đạc và bản đồ viễn thám trong quá trình khảo sát, đo đạc, xử lý số liệu giữa bản đồ số, kiểm chứng thực tế ngoài hiện trường không chính xác dẫn đến việc tích nước gây ngập úng, làm chết hơn 25 ha rừng.
Chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh đã nghiệm thu thành quả đối với hồ sơ tư vấn, thiết kế đo đạc ranh giới lòng hồ. Từ đó, quá trình tích nước đã ngập, tràn khỏi ranh giới được phép thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, gây chết cây rừng.
|
Khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: LK |
Chi cục Kiểm lâm Kon Tum cũng xác định việc tích nước tại thủy điện Thượng Kon Tum đã làm chết cây rừng, thảm thực vật thuộc hệ sinh thái rừng với diện tích 28,72 ha, trong đó đất lâm nghiệp không có rừng hơn 3,3 ha.
Diện tích rừng bị chết thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý.
Như PLO đã phản ánh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum khởi tố vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum, sau đó chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum tiếp tục điều tra, xử lý.
Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2020, thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh làm chủ đầu tư đã tích nước lòng hồ, gây ngập úng, làm chết hơn 25 ha rừng.
Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất lắp máy 240 MW, đưa vào hoạt động năm 2020. Năm 2020, UBND tỉnh Kon Tum quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này với diện tích sử dụng hơn 910 ha.
Liên quan đến thủy điện Thượng Kon Tum, mới đây Thanh tra Chính phủ có kết luận chủ đầu tư đã đổ thải trái quy định hàng triệu m3 đất, đá; điều chỉnh dự án nhưng không thực hiện việc ký quỹ hơn 31 tỉ đồng.