Đánh thức các dự án ở Phú Yên - Bài 1

Nhiều dự án công, tư ở Phú Yên bị kẹt vì vướng bồi thường

Nhiều dự án chậm triển khai vì vướng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), nhiều dự án lớn cần đất sạch để triển khai theo quy hoạch nhưng cần phải có cơ chế đột phá với một hành lang pháp lý rõ ràng. Đó là đòi hỏi từ thực tế phát triển đô thị tại tỉnh Phú Yên, một tỉnh chưa có nhiều dự án lớn trong khi các dự án nhỏ lại gặp không ít vướng mắc trong khâu bồi thường GPMB.

Dự án đầu tư công đình trệ

Năm 2015, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Phước - Bãi Ngà đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, thuộc thị xã Đông Hòa, dài hơn 3,8 km đã được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư và do Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng từ vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương đầu tư cho các dự án trong khu kinh tế (440 tỉ đồng). Phần còn lại là từ ngân sách địa phương và các nguồn khác.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, dự án chính thức thi công vào tháng 11-2015, thời gian thực hiện trong vòng năm năm. Tuy nhiên đến nay, trong tổng quy mô dự án 22,5 ha chỉ mới GPMB được 16 ha. Diện tích mặt bằng giải phóng được chỉ đạt 71%. Trong sáu năm kể từ khi thi công, đến nay chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành được 2,4 km đường.

“Trong thời gian triển khai thi công dự án, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên thường xuyên phối hợp với UBND huyện Đông Hòa và các cơ quan có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên do dự án gặp nhiều vướng mắc trong quá trình bồi thường GPMB nên đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm” - ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết.

Tương tự, tại dự án xây kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp phát triển hạ tầng đô thị (đoạn cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ), do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ kết hợp với đường giao thông dài hơn 2,2 km, nạo vét lòng sông và đầu tư hạ tầng đô thị khoảng 57,3 ha.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh, dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách của tỉnh và trung ương với tổng số tiền hơn 950 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án được khởi công từ tháng 5-2019 và sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2021. Tuy nhiên, đến nay đã cuối năm 2021 nhưng mới chỉ hoàn thành được khu A với diện tích 45 ha tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Đối với 12,3 ha khu B tại xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa vẫn đang vướng bồi thường nên tổng khối lượng dự án mới chỉ đạt khoảng 89%.

Dự án khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort tại thị xã Sông Cầu sau ba năm vẫn chưa có mặt bằng do còn ba hộ dân đòi giá bồi thường đất quá cao. 
Ảnh: VŨ CƯỜNG 

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, đối với phần diện tích còn lại của dự án có 107 hộ gia đình cá nhân và hai tổ chức bị ảnh hưởng nhưng hiện còn 40 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường. Thậm chí có một số trường hợp gửi đơn kiện đến TAND tỉnh Phú Yên.

Theo UBND TP Tuy Hòa, cơ quan này đã thành lập tổ vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và thống nhất với giá bồi thường đã được tỉnh phê duyệt. UBND TP Tuy Hòa đã ba lần tổ chức vận động nhưng người dân vẫn chưa thống nhất giá.

Ông Tiến cho biết vướng mắc trong khâu GPMB đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai, thi công, hoàn thành dự án cũng như công tác giải ngân nguồn vốn đã bố trí. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, trên địa bàn tỉnh có 54 dự án đầu tư công do tỉnh quản lý thì có tới 18 dự án bị vướng mặt bằng nên không thể hoàn thành như tiến độ đã đề ra.

Cần đất sạch để thu hút nhà đầu tư lớn

Theo Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) trong định hướng quy hoạch sẽ được nâng cấp thành phường nội thị theo tiêu chí đô thị loại IV. Theo đó, đây sẽ là khu vực phát triển du lịch biển, dịch vụ sinh thái gắn với cảnh quan tự nhiên và đô thị mới. Đồ án quy hoạch cũng định hướng phát triển khu vực này thành các khu đô thị mới, cải tạo, chỉnh trang các khu vực hiện hữu, nhằm tạo một khu vực phát triển đồng bộ về hạ tầng đô thị.

Tại đây, tỉnh Phú Yên đang quy hoạch khu đô thị du lịch sinh thái với quy mô hơn 450 ha. Theo đó, khu vực này dự kiến hình thành khu du lịch sinh thái ven biển, kết hợp với các loại hình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan và hệ sinh thái mang phong cách thiên nhiên bản địa.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết hiện nay tại tỉnh này chưa có các dự án lớn, làm điểm nhấn và tạo động lực phát triển chung cho cả vùng. Tỉnh đã quy hoạch các khu vực tương tự khu đô thị nêu trên ở một số huyện khác có tiềm năng tương tự, nhằm kêu gọi đầu tư, hình thành nên những chuỗi đô thị đồng bộ và bài bản ven biển. Để làm được điều này và tạo được sự đột phá trong phát triển đô thị thì phải có nhà đầu tư (NĐT) thực sự lớn mạnh.

Ông Thế cho biết thời gian qua cũng có nhiều NĐT lớn đến tìm hiểu và đặt vấn đề với tỉnh để đầu tư. Tuy nhiên, một trong những vấn đề NĐT mong muốn là có quỹ đất sạch để có thể triển khai ngay. Tỉnh muốn thu hồi đất theo quy hoạch để tạo quỹ đất sạch phát triển đô thị nhưng quy định hiện nay buộc phải có dự án mới được thu hồi đất.

Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng đề án thí điểm tách bồi thường GPMB ra khỏi dự án đầu tư, thành một dự án độc lập. Trong đó không chỉ đề cập đến các dự án đầu tư công mà kể cả các dự án đầu tư kinh doanh, nhằm giải quyết vướng mắc trong thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thế cho rằng nếu chính sách này được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới sẽ mở ra cơ hội cho các địa phương trong việc thu hồi đất, phát triển đô thị theo quy hoạch. Trong đó có những khu vực quy hoạch các đô thị lớn như dự án khu đô thị sinh thái 450 ha nêu trên.

“Nếu có đất sạch sẽ thu hút được các NĐT có tiềm lực tài chính mạnh, phát triển được cả khu đô thị sinh thái như đã nêu trên một cách bài bản, đồng bộ đúng như quy hoạch thì sẽ là động lực phát triển cho các chuỗi đô thị ven biển cũng như cho huyện Tuy An và cả tỉnh Phú Yên” - ông Thế nói.

Tuy nhiên, ông Thế cũng cho rằng chính sách này nếu được thông qua thì cũng cần tính toán và cân nhắc rất kỹ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Toàn tỉnh có 260 dự án trong và ngoài ngân sách

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 206 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 54 dự án đầu tư công do cấp tỉnh quản lý. Trong đó có khoảng 53 dự án đang vướng bồi thường GPMB, riêng dự án đầu tư công là 18 dự án.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, hiện nay Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh đang có khoảng 500 tỉ đồng nguồn vốn để phát triển đô thị. Đây được xem là một nguồn lực rất quan trọng để thực hiện thu hồi đất, GPMB, tạo quỹ đất sạch để phát triển đô thị.

Các dự án không do Nhà nước thu hồi đất cũng “đứng hình”

Không chỉ các dự án đầu tư công mà khâu bồi thường luôn là nút thắt lớn nhất, khiến cho nhiều dự án đầu tư kinh doanh tại Phú Yên cũng bị ách tắc. Đơn cử như dự án khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort của Công ty TNHH Khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort. Dự án quy mô gần 5 ha tại thị xã Sông Cầu và có chủ trương đầu tư từ năm 2018. Có 28 hộ dân và một tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án cùng với đó là 359 mồ mả của người dân.

Sau ba năm thương lượng, chủ đầu tư đã bồi thường được khoảng 97% diện tích toàn dự án. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, hiện chỉ còn ba hộ dân chủ đầu tư chưa thể thương lượng bồi thường do người dân yêu cầu giá quá cao. Trong ba hộ này, có hộ yêu cầu gấp ba lần, có hộ muốn gấp bốn lần, thậm chí có hộ yêu cầu mức giá gấp tám lần so với mặt bằng chung.

“Theo thông tin của chủ đầu tư thì doanh nghiệp đã nhiều lần thuyết phục, thương lượng nhưng giữa hai bên chưa có tiếng nói chung, đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án” - giám đốc Sở KH&ĐT cho biết.

Một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Đó là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Cù lao Mái Nhà do Công ty Xuân Thiện Ninh Bình làm chủ đầu tư, quy mô 200 ha với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng.

Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên Võ Đình Tiến (trái) trao đổi với PV. Ảnh: VŨ CƯỜNG

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, nhà đầu tư (NĐT) đã triển khai xong thủ tục ký quỹ đầu tư với số tiền 2 tỉ đồng, đang tiếp tục hoàn tất thủ tục để ký bổ sung hơn 30 tỉ đồng. Quy hoạch chi tiết 1/500 và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng đã được phê duyệt, đang trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở.

Cũng theo báo cáo của Sở KH&ĐT, chủ đầu tư đã bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt tỉ lệ 97,5% tổng diện tích dự án. Tất cả hộ dân đều đồng thuận và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chỉ còn một hộ dân vẫn không đồng tình. Đó
cũng là lý do khiến cho dự án này bị kéo dài.

Giám đốc Sở KH&ĐT Võ Đình Tiến cho biết đây là hai trong nhiều dự án không thuộc trường
hợp Nhà nước thu hồi đất mà chủ đầu tư đã bồi thường đạt tỉ lệ rất cao. Tuy nhiên, chưa bồi thường xong thì chưa thể tiến hành giao đất cho NĐT. “Nhiều dự án chậm tiến độ như đã cam
kết, dù NĐT có kinh nghiệm, có năng lực tài chính. Vì vậy, để dự án tiếp tục được thực hiện, các doanh nghiệp buộc phải xin gia hạn thời gian thực hiện dự án” - ông Tiến cho biết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới