Nhiều dự án lỗ đội vốn làm tăng nợ công

“Khi nói tái cơ cấu (TCC), người ta hỏi ngay lấy nguồn lực ở đâu và ý kiến chính thống là “huy động và huy động”. Tôi không nghĩ là như vậy mà phải là phân bố và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Nếu không, kinh tế sẽ sụp xuống hố chứ không thể bay lên như nhiều người kỳ vọng”. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đưa ra cảnh báo trên tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam với chủ đề Thách thức TCC và triển vọng, được tổ chức ngày 12-10.

Huy động không đủ chi thường xuyên

Ông Cung cho hay trong các cách thức huy động nguồn lực thì cách huy động qua ngân sách là rất cao. “Nhưng bội chi ngân sách cũng cao không kém, đến mức huy động nguồn lực cũng không đủ cho chi thường xuyên. Nợ công vì thế vừa cao lại vừa tăng rất nhanh” - ông Cung nói.

Tuy nhiên, điều làm TS Cung nuối tiếc là có nhiều cách đang làm xói mòn tiềm lực, năng lực quốc gia. “Rất nhiều dự án đầu tư thua lỗ hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Nhiều dự án đội vốn lên nhiều lần. Đó là cách làm xói mòn thịnh vượng quốc gia, giảm năng lực cạnh tranh” - ông Cung nói và nhấn mạnh rằng: Một khu vực kinh tế mà mua đắt bán rẻ, không tính đến hiệu quả kinh tế thì không thể phát triển được.

Đồng tình với ông Cung, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright, nhận định nợ công của Việt Nam rất cao, chỉ thua Ấn Độ. TS Thành đề nghị phải tăng kỷ cương ngân sách để giảm nợ công. “Chúng ta đang huy động nguồn lực rất nhiều, mức huy động chỉ thấp hơn Trung Quốc. Một vấn đề khác là phải siết chặt ngân sách ở địa phương theo hướng thu bao nhiêu, chi bấy nhiêu. Nếu trung ương cứ cấp phát ngân sách cho địa phương thì nợ công, nợ xấu sẽ không được kìm hãm” - ông Thành nói.

TS Nguyễn Đình Cung cảnh báo có nhiều cách đang làm xói mòn tiềm lực, năng lực quốc gia... Ảnh: CL

25 tỉ USD xử lý nợ xấu

Nhận định một cách chi tiết hơn về nợ công, nợ xấu, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng: Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF khuyến nghị với những nền kinh tế như Việt Nam, nợ công khoảng 70%-75% GDP mới là tối đa. Vì vậy, với ông nợ công hiện nay chiếm khoảng 65% GDP chưa phải là ngưỡng cao.

Ông Phước cho rằng cần phải hành động để xử lý nợ xấu trên hai bình diện: Quan điểm và kỹ thuật. “Xử lý nợ xấu không phải vì một vài cổ đông, ngân hàng đơn lẻ, mà phải vì nền kinh tế. Xử lý nợ xấu không thể bằng khẩu hiệu suông, không nên đặt vấn đề lấy của người nghèo chia cho người giàu” - ông Phước nêu quan điểm và nói một cách triết lý: Dù ta muốn hay không thì cuộc đời có những quy luật khắc nghiệt.

Sở dĩ ông Phước nói điều này vì trước đó TS Cung đã bày tỏ trong việc TCC ngân hàng thì cần phải xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tách rời việc xử lý nợ xấu ra khỏi việc trừng trị các tổ chức gây ra nợ xấu. Điều này không phải là khoan dung với các tổ chức tín dụng yếu kém, mà là giảm các tổn thất do nợ xấu gây ra cho nền kinh tế.

Ông Phước cho rằng rất khó để trừng trị những chủ thể gây ra nợ xấu. “Tôi tin là cần 25 tỉ USD để xử lý nợ xấu. Anh Cung nói đúng là cần phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhưng để xử lý nợ xấu cũng phải có nguồn lực” - ông Phước nói.

Kinh tế có thoát được lệ thuộc Trung Quốc?

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên nói rằng Hội nghị Trung ương lần thứ tư cũng bàn về TCC và trung ương đang rất “sốt ruột” về vấn đề này.

TS Thiên nhận định 30 năm qua kinh tế Việt Nam không thay đổi được đẳng cấp phát triển nên dù đúng hướng nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ở trình độ thấp. Yêu cầu của TCC lần này là thay đổi đẳng cấp chứ không phải thay đổi tỉ lệ cơ cấu ngành nghề. Nhìn nhận lại công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986, ông Thiên cho rằng khi đó Nhà nước, doanh nghiệp đều nghèo, dân thì đói kém nên đổi mới là tất yếu. Nhưng hiện nay, TCC dường như không có động lực vì TCC thì đụng chạm đến quyền lợi các bộ, ngành, các nhóm lợi ích.

“Quan trọng hơn, kinh tế Việt Nam có đủ sức “đu bám” với hội nhập và thoát khỏi sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc hay không. Thoát khỏi Trung Quốc không đơn giản, vì hệ thống kinh tế của Việt Nam chỉ thích nhập nguyên liệu về gia công, sản xuất hàng hóa chất lượng thấp. Nền kinh tế Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ta chưa biết họ hạ cánh thế nào. Phương án “giảm sốc” khi nền kinh tế Trung Quốc có biến động cũng chưa được đặt ra” - TS Thiên nói.

_________________________________

Cần có ban chỉ đạo trung ương xử lý tài sản đảm bảo

Theo tính toán của TS Trương Văn Phước, cần có 180.000 tỉ đồng xử lý tài sản của các tổ chức tín dụng, cần 150.000-200.000 tỉ đồng dự phòng rủi ro. “Hiện đang có 126.000 tỉ đồng dự phòng nhưng vẫn cần thêm khoảng 8-10 tỉ USD nữa để sử dụng xử lý nợ xấu” - ông Phước thông tin. Đồng thời ông cho rằng cần có một ban chỉ đạo trung ương về vấn đề xử lý tài sản đảm bảo.

Ông Nguyễn Đình Cung đồng thuận với ông Phước rằng: “Cần có một ủy ban hoặc “đội đặc nhiệm” TCC kinh tế do Thủ tướng đứng đầu. Vì TCC sẽ phân bổ lại nguồn lực, quyền lực nên có nhiều người không muốn thực hiện”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm