Nhiều giải pháp khẩn ứng phó với sạt đường, nứt đập ở Đắk Nông

(PLO)- UBND tỉnh Đắk Nông phải tính toán lại kịch bản vỡ hồ và phải đảm bảo tính mạng của người dân là trên hết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-8, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã có buổi đi thực địa, làm việc với tỉnh Đắk Nông về tình hình mưa lũ, sạt lở đất, núi đang diễn ra ở đây.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận buổi làm việc...

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận buổi làm việc...

Mất rừng làm biến đổi dòng chảy trên mặt và dưới ngầm

Trong sáng 7-8, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và đoàn công tác đi kiểm tra thực tế công trình thủy lợi Đắk N’ting tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông đang có nguy cơ bị vỡ nghiêm trọng.

Kiểm tra trực tiếp công trình, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định tình trạng mất rừng đã làm thay đổi dòng chảy bề mặt và dòng chảy nước ngầm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện tại khu vực công trình thủy lợi này có khoảng 1 triệu m3 trên diện tích khoảng 10 ha đất có nguy cơ sạt lở. Những vị trí gần đó vẫn còn rừng khộp, nhiều nơi người dân đã trồng tiêu. “Quá trình tưới tiêu của người dân là nguyên nhân làm dòng chảy ngầm thay đổi” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

sau khi kiểm tra hiện trường nứt, vỡ ở đập thủy lợi Đắk N’ting. Ảnh: VŨ LONG

sau khi kiểm tra hiện trường nứt, vỡ ở đập thủy lợi Đắk N’ting. Ảnh: VŨ LONG

Cũng theo ông Hiệp, vừa qua Tây Nguyên xuất hiện thời tiết cực đoan, tổng lượng mưa rất lớn, gấp 2-2,5 lần so với lượng mưa hằng năm. Yếu tố mưa nhiều cùng với sự tác động từ các công trình đang thi công tạo ra tổ hợp bất lợi, dẫn đến sạt lở khá nhiều điểm khác nhau ở Tây Nguyên. Trong đó, địa bàn TP Gia Nghĩa đã có một đoạn đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng; hồ thủy lợi Đắk N’ting và một loạt cơ sở trường học ở tỉnh Đắk Nông bị sạt trượt.

UBND tỉnh Đắk Nông cần công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai để có giải pháp khẩn cấp, tình huống cấp bách để ứng phó, xử lý.

Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, hiện nay cung trượt vẫn tiếp tục dịch chuyển gây ảnh hưởng đến công trình thủy lợi Đắk N’ting; các vết nứt cũ đã có hiện tượng mở rộng, sạt trượt nhiều hơn so với những ngày trước đó.

Số liệu quan trắc cho thấy do ảnh hưởng liên tục của cung trượt, áp lực đất phía đồi ngày càng đè nén thêm vào khu vực đập tràn xả lũ gây ra tình trạng đẩy nổi bên vai trái tràn xả lũ. Ngoài ra, mái bê tông thượng lưu đập đất tiếp giáp tràn đã có hiện tượng nứt gãy, chia cắt, với vết nứt kéo dài từ chân đập lên đỉnh khoảng 25 m, chiều rộng vết nứt có chỗ lên tới 3 cm.

Phải tính toán kỹ kịch bản vỡ hồ

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai để có giải pháp khẩn cấp, tình huống cấp bách để ứng phó, xử lý. Phải đảm bảo tính mạng của người dân là trên hết. Như tại hồ Đắk N’ting hiện nay vẫn còn dấu hiệu dịch chuyển, nguy cơ vỡ rất cao.

Do đó, UBND tỉnh Đắk Nông phải tính toán lại kịch bản vỡ hồ. Nếu trường hợp hồ vỡ, mức độ thiệt hại phía hạ du như thế nào? Phải rà soát toàn bộ khu vực dưới hạ du, di dời hết người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm để giảm thiệt hại.

“Tôi đề nghị UBND tỉnh phải tính toán lại kịch bản vỡ hồ. Hiện nay hồ đang chứa 2 triệu m3 nước, nếu vỡ hồ thì toàn bộ số nước này sẽ chảy về đâu? Đường đi như thế nào? Phải lên kịch bản xử lý để di dời hết toàn bộ hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị.

Nhiều giải pháp khẩn cấp

Tại cuộc thảo luận cùng ngày, các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Tây Nguyên, Đắk Nông những ngày qua và đề xuất hướng giải quyết cụ thể.

PGS-TS Nguyễn Châu Lân, Trường ĐH GTVT (Hà Nội), cho biết từ kiểm tra công trình chứa nước Đắk N’ting cho thấy địa hình sạt trượt cao khoảng 30 m với đất đỏ bazan là chủ yếu sạt trượt phần trên mái đất; vị trí nứt hình thành vòng cung.

Theo PGS-TS Nguyễn Châu Lân, giải pháp trước mắt, sử dụng tấm HDPE để ngăn nước không cho ngấm xuống phía dưới. Có thể khoan sâu vào quả đồi nhằm tạo dòng chảy nước thoát ra, để hạn chế lớp đất sạt trượt xuống dưới.

Đối với vị trí sụt lún ở đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, theo PGS-TS Nguyễn Châu Lân, cũng có yếu tố liên quan đến thoát nước. Vì vậy, cần phải bóc bỏ và làm lại từ dưới lên, nhớ chú ý phần thoát nước, có gắn các rọ đá.

Theo PGS-TS Lê Văn Hùng, chuyên gia trong đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, hiện công trình thủy lợi Đắk N’ting mới chỉ di chuyển đập tràn, do bị xô đẩy tách khỏi móng. Phần đập và cống hiện an toàn. “Biện pháp an toàn cho đập nhanh nhất, an toàn nhất là phải hạ mức nước chứa. Nếu đập này chỉ xả nước bình thường sẽ an toàn cho đập phía dưới. Nếu hồ vỡ mới hệ trọng. Cần thiết phải xả đúng thiết kế, không được vượt quá” - PGS-TS Lê Văn Hùng nêu giải pháp.

PGS-TS Lê Văn Hùng kiến nghị cần thiết kiểm tra các công trình còn lại ở địa bàn tỉnh Đắk Nông để có đánh giá đúng và có biện pháp ngăn chặn sớm. PGS-TS Lê Văn Hùng cảnh báo việc dùng tôn vây kín mép đường Hồ Chí Minh (đoạn bị sụt lún) sẽ tạo nên hiện tượng bị tụ nước, rất nguy hiểm. “Khi nước mưa chảy xuống, toàn bộ đường này như một cái đập và chịu dòng thấm xuyên từ đó sang mái trượt. Nếu chúng ta sửa chữa phần này, muốn không hỏng đường đang còn thì phải xử lý ngay tụ thủy. Nếu không làm được, trong mùa mưa năm nay sẽ hỏng hết những đoạn đường còn lại” - PGS-TS Lê Văn Hùng cảnh báo và khẳng định việc khảo sát trước đây của cơ quan chức năng địa phương khi làm đường chưa đến nơi đến chốn.•

Công tác dự báo phải kịp thời và chính xác hơn

. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong tháng 8.

Chiều 7-8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu yêu cầu trên khi kết luận Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, diễn ra tại Hà Nội.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành là thành viên của ủy ban, trong chức trách, nhiệm vụ được giao, tiến hành rà soát các tiểu đề án đang triển khai, phương án và kịch bản sẵn có để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.

“Công tác dự báo phải “kịp thời và chuẩn xác hơn”, có sự kết nối, hợp tác với các đài thủy văn trong khu vực” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, Phó Thủ tướng gợi ý cần đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, bao gồm cả tin nhắn trực tiếp nhằm bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời nhất đến với người dân.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng chức năng phải phối hợp tốt ngay từ khâu chuẩn bị cũng như trong quá trình tham gia khắc phục sự cố để công tác này đạt hiệu quả cao nhất trong điều kiện nguồn lực và trang thiết bị còn hạn chế.

• Tổng cục Khí tượng thủy văn vừa đưa ra dự báo từ ngày 9 đến 10-8, khu vực Bắc Bộ có mưa giông, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa to, lượng mưa phổ biến 40-70 mm. Từ ngày 11 đến 13-8, khu vực Bắc Bộ có mưa to trở lại, tổng lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 200 mm.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong nửa đầu tháng 8 xuất hiện mưa rào và giông, lượng mưa không lớn bằng cuối tháng 7, mưa chủ yếu tập trung vào chiều tối và đêm. Nửa cuối tháng 8, mưa giông sẽ mạnh hơn và tổng lượng mưa cuối tháng 8 cao hơn đầu tháng 8.

Từ nay đến cuối năm có khả năng xuất hiện 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, chủ yếu tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 9) và từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía Nam (từ tháng 10 đến tháng 12). PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm