Ngày 3-3, Ban Thi đua khen thưởng TP.HCM phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình tọa đàm về triển khai thực hiện “Đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2030”.
Chủ trì buổi tọa đàm có Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Nguyễn Hoàng Hưng; Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM Lê Công Đồng; Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường.
Toàn cảnh tọa đàm triển khai thực hiện “Đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2030”. Ảnh: VT |
Nâng cao chất lượng phong trào thi đua sáng tạo
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM, đánh giá qua mỗi năm những giải pháp, nghiên cứu chất lượng cao ngày càng tăng, ngày càng đi vào thực tiễn và thu hút đông đảo lực lượng tham gia.
Tuy nhiên, ông nhìn nhận thực trạng địa bàn TP có nhiều trường đại học nhưng giải pháp tham gia còn hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng.
PGS.TS Dương Hoa Xô góp ý để nâng cao chất lượng phong trào thi đua sáng tạo. Ảnh: VT |
Ông đề xuất muốn giải thưởng sáng tạo được phát triển sâu rộng cần thúc đẩy tuyên truyền mạnh mẽ qua các kênh thông tin truyền thông, phát triển các cuộc thi từ dưới lên để chọn lọc, nâng cao chất lượng những sản phẩm tham gia.
Còn Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải cho rằng để thu hút được sự sáng tạo của người trẻ thì cần có giải pháp để đưa các sáng tạo áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
“Cần phải có cơ chế và ngân sách để phát huy sự sáng tạo, hỗ trợ người trẻ thương mại hoá sản phẩm. Bên cạnh đó cần hình thành cổng dữ liệu về các giải pháp sáng tạo, cập nhật và tập hợp những ý tưởng để các bạn có thể cùng trao đổi, phối hợp khi có chung ý tưởng” - ông Hải gợi ý.
Bà Dương Thị Huyền Trâm, Trưởng Ban Phong trào, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, góp ý thêm ngoài các giải pháp khoa học công nghệ, cần phải khuyến khích những giải pháp sáng tạo để thực hiện các cuộc vận động, phong trào TP phát động như “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”… Việc này sẽ giúp giải thưởng sáng tạo lan tỏa sâu rộng vào đời sống người dân.
Cần có hành lang dẫn dắt sau khi nhận thưởng
Là một trong những doanh nghiệp có công trình đạt Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần 2, ông Nguyễn Trung Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ TK25, cho rằng cần phải làm thương hiệu cho các phong trào thi đua và giải thưởng sáng tạo của TP.
Ông Nguyễn Trung Khánh cho rằng cần có hành lang dẫn dắt sau khi nhận thưởng. Ảnh: VT |
“Có những sáng kiến, sáng tạo đã đạt giải cũng rất khó tiếp cận những nơi thụ hưởng. Do đó, cần phải có giải pháp để thương hiệu giải thưởng đến được nhiều người hơn. Đặc biệt, nên kết nối với các giải thưởng thế giới hoặc các tổ chức thế giới” - ông Khánh bày tỏ.
Bên cạnh đó, sau khi trao giải thưởng thì cần quan tâm đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có sự kết nối, cơ chế để hỗ trợ. Giải thưởng nên có lộ trình, hành lang cụ thể cho tất cả các đơn vị tham gia, cần vạch rõ lộ trình đi tiếp theo như thế nào để giải thưởng trở nên thiết thực.
Cùng nỗi trăn trở trên, sinh viên Đinh Thanh Nhàn, Phó Chủ nhiệm CLB Sáng tạo và Ứng dụng (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), cho biết nhiều sinh viên rất thích sáng tạo, tuy nhiên để ứng dụng thì cần có vốn.
“Có những nghiên cứu phải thực hiện cả năm, thậm chí là 4 năm đại học nên những giải thưởng chỉ đủ để bù lỗ. Nhiều sinh viên chọn cách bán sản phẩm cho doanh nghiệp thay vì mang đi thi” - ông Nhàn chia sẻ.
Ông Nhàn mong muốn thời gian tới, TP sẽ có những hỗ trợ thiết thực cho sinh viên để nghiên cứu sáng tạo. Đồng thời, phải có hành lang dẫn dắt các bạn sinh viên sau các giải thưởng.
Khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo trong nhân dân
Phó trưởng ban Thi đua Khen thưởng Nguyễn Hoàng Hưng báo cáo tại buổi tọa đàm. Ảnh: VT |
Báo cáo tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hưng, Phó trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng, cho biết những năm qua, TP.HCM đã tích cực triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều sáng kiến, ý tưởng mới thiết thực, các công trình, giải pháp khoa học được ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực.
Về thực hiện "Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030", đến nay đã có 100% địa phương thuộc TP và trên 90% sở, ngành; doanh nghiệp có lực lượng lớn và đối tượng đa dạng đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị thuộc TP xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ; nội dung triển khai còn chung chung, chưa đề ra thời gian và phân công tổ chức thực hiện cụ thể…
Phát biểu kết luận buổi toạ đàm, Phó trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng ghi nhận các ý kiến, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các công trình tham gia có hình thức, nội dung, tiêu chí cụ thể, phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị sẽ định hướng, xây dựng kế hoạch để phong trào thi đua đi vào chiều sâu.
Bên cạnh đó, sẽ có những cơ chế, chính sách thích hợp để tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình, giải pháp; có lộ trình, quy trình thích hợp để các công trình đạt giải được ứng dụng, triển khai sâu rộng; chính sách, cơ chế phù hợp về kinh phí cho các giải thưởng sáng tạo để khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo.