Ngày 16-8, Trường ĐH Luật TP.HCM cùng Đoàn Luật sư TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).
Tại hội thảo, nhiều luật sư không đồng tình khi dự thảo đề cương quy định chứng chỉ hành nghề luật sư (CCHNLS) có thời hạn 5 hoặc 10 năm và có thể được xem xét gia hạn hoặc cấp lại khi đủ điều kiện quy định.
Gây khó khăn cho luật sư khi hành nghề
Luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng thực tiễn việc quy định “chứng chỉ hành nghề luật sư có giá trị lâu dài” lâu nay không có vướng mắc nào trên thực tế. Một quy định đang phù hợp, vận hành tốt thì cần duy trì ổn định, không nên thay đổi.
Cạnh đó, theo luật sư Phong, nếu đặt ra việc quy định CCHNLS chỉ có “hiệu lực trong một thời hạn nhất định” như 5 năm, 10 năm,… thì sẽ dẫn đến tình trạng lợi bất cập hại, khó khăn cho luật sư và cũng không làm tốt hơn các biện pháp quản lý nhà nước. Cụ thể như sẽ thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho luật sư; thêm việc cho cơ quan nhà nước khi thực hiện cấp lại (hoặc gia hạn) CCHNLS.
"Quy định thời hạn cho CCHNLS sẽ tạo ra bất ổn, rắc rối, không thuận lợi cho luật sư khi hành nghề. Ví dụ như khi luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong các vụ án mà CCHNLS sắp hết thời hạn hiệu lực thì chắc chắn phát sinh rất nhiều khó khăn, tâm lý của khách hàng sẽ rất bất an..." - luật sư Phong nêu.
Đồng tình, luật sư Trần Vân Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng quy định CCHNLS có thời hạn không phù hợp với thực tiễn hoạt động hành nghề của luật sư, thực tiễn giải quyết vụ án của tòa án, gây khó khăn cho luật sư trong quá trình hành nghề và có thể phát sinh nhiều vấn đề pháp lý khác.
Luật sư Linh lấy ví dụ như khi luật sư đang giải quyết vụ kiện cho khách hàng hoặc tham gia bào chữa bảo vệ cho đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí theo Luật Trợ giúp pháp lý nhưng CCHNLS hết hạn dẫn đến việc luật sư phải dừng việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Điều này có thể làm phát sinh tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa luật sư và khách hàng mà không phải lỗi của luật sư vì luật sư không thể dự liệu được một vụ án cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết trong thời gian bao lâu thì kết thúc.
Theo luật sư Linh, BLTTDS có quy định thời hạn giải quyết vụ án dân sự là 4 tháng và được gia hạn 1 lần không quá 2 tháng, tức là thời hạn giải quyết tối đa 6 tháng. Còn vụ án hình sự phải qua giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Trong khi thực tế một vụ án có thể kéo dài nhiều năm nên việc luật sư không được tiếp tục hành nghề do CCHNLS hết hạn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Quy định không phù hợp
Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng nếu quy định CCHNLS có thời hạn thì đây là một quy định không hợp lý. Bởi lẽ hiện nay, theo Luật Tổ chức TAND 2024, nhiệm kỳ thứ 2 của thẩm phán TAND sẽ kéo dài cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, thay vì chỉ 10 năm như hiện hành, tức thẩm phán TAND sẽ có nhiệm kỳ suốt đời. Trong khi đó, qua nhiều lần sửa đổi thì lần này Bộ Tư pháp lại đặt ra vấn đề thời hạn đối với CCHNLS, rõ ràng là một bước thụt lùi. Cạnh đó, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh,... cũng không có quy định về CCHNLS có thời hạn. Do đó, theo luật sư Ý, cần giữ nguyên quy định CCHNLS có thời hạn vĩnh viễn như hiện nay.
TS-LS Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ TAND Tối cao) cũng cho rằng quy định này là không phù hợp.
Ông Hoài đề nghị Bộ Tư pháp xem xét lại việc điều chỉnh quy định việc gia hạn CCHNLS có thời hạn 5 hoặc 10 năm. Bởi lẽ, CCHNLS do Bộ Tư pháp và thẻ Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp như quy định của Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi 2012) không có thời hạn là một bước tiến lớn, gắn liền với chức phận nghề nghiệp, danh dự, uy tín suốt đời của mỗi luật sư. Việc quy định như đề cương thật sự là một bước lùi lớn, không phù hợp với chính các quy định hiện hành của Luật Luật sư năm 2006.
CCHNLS không giống như chứng chỉ hành nghề y
CCHNLS không giống như chứng chỉ hành nghề y. Chứng chỉ hành nghề y là một thủ tục hành chính khi được thực tập tại một cơ sở bệnh viện sẽ được cấp. Còn CCHNLS là sau khi đã tham gia kỳ thi quốc gia, nhà nước công nhận trình độ và cấp cho CCHNLS có giá trị lâu dài. Do vậy, CCHNLS không giống như chứng chỉ hành nghề y hay các CCHN khác mà nhà nước quản lý.
Cạnh đó, nếu quy định về thời hạn CCHNLS để giảm tình trạng các luật sư bị thu hồi CCHNLS nhưng không nộp lại mà vẫn sử dụng CCHNLS để ký các hợp đồng với khách thì cũng không cần thiết. Bởi lẽ một luật sư vi phạm bị xử lý kỷ luật, thu hồi CCHNLS đều đã được công bố công khai trên website của Đoàn Luật sư cũng như website của Liên đoàn. Vì vậy, nếu người dân có nghi ngờ về một luật sư nào đó thì có thể tìm kiếm thông tin tại đây.
Từ thực tiễn hoạt động của nghề luật sư, tôi đề nghị không nên quy định gia hạn CCHNLS.
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM