Trong tháng 10, huy động vốn tiếp tục tăng 2,4% so với tháng 9 nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 0,99%. Dù đã qua nhiều lần giảm lãi suất huy động nhưng nguồn vốn từ người dân vẫn tiếp tục đổ vào ngân hàng. Đến cuối tháng 10, số vốn khả dụng các ngân hàng dư thừa lên đến khoảng 50 ngàn tỷ đồng.
Cũng theo ông Nghĩa, sau hai lần hạ lãi suất cơ bản, tăng lãi suất dự trữ bắt buộc và đặc biệt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1% đối với VND và 2% đối với ngoại tệ đã tăng cung tiền với một khoản rất lớn. Bởi khi thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng nhà nước đã hút vào khoảng 40 ngàn tỷ đồng thông qua nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và trái phiếu bắt buộc. Đến nay, 20.300 tỷ đồng trái phiếu bắt buộc đã được thanh toán trước hạn cho các ngân hàng đưa vào lưu thông. Cùng với đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm xuống nên ước tính mỗi ngân hàng sẽ vận động khoảng 500 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ giảm khoảng hai đợt nữa do chỉ số giá tiêu dùng các tháng tới dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 0,5%. Với mặt bằng lãi suất tối đa 15% hiện nay, một số doanh nghiệp đã bắt đầu vay vốn. Hơn nữa, các ngân hàng đã thừa vốn, nếu không cho vay thì sẽ bị lỗ. Ông Hà cho biết trong giai đoạn 2008-2010, BIDV sẽ dành trên 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay.
Đại diện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng cho biết hiện vốn khả dụng lên đến trên 60.000 tỷ đồng và sẽ dành khoảng 70% để cho vay sản xuất nông nghiệp. Các ngân hàng như ACB có kế hoạch cung 5.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và cá nhân. Ngân hàng ngoài quốc doanh cũng đáp ứng khoảng 2.000 tỷ đồng, đang xem xét đáp ứng nhu cầu cho vay tiêu dùng cũng như những dự án bất động sản thực sự hiệu quả.
L.THANH