Quản lý an toàn thực phẩm - từ chính sách tới thực thi - Bài 1:

Nhiều ngành cùng quản, thực phẩm bẩn vẫn còn

(PLO)- Do cả ba ngành công thương, y tế, NN&PTNT cùng quản lý an toàn thực phẩm nên đã bộc lộ sự chồng chéo, lỏng lẻo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Ngày 1-8, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM bắt đầu có hiệu lực. Một trong nội dung của nghị quyết là việc thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Thực tế hiện nay hệ thống pháp luật đã có, hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm cũng đã hình thành nhưng yếu về chuyên môn và thiếu về số lượng. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức quản lý an toàn thực phẩm tại các tỉnh, TP cũng chưa thống nhất. Chính điều này đã dẫn đến nhiều bất cập trong công tác quản lý an toàn thực phẩm của cả nước nói chung và tỉnh, TP nói riêng.

--------------

Năm 2010, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) ra đời. Theo phân cấp, ba cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý ATTP gồm Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT.

Một cọng bún nhỏ, ba bộ nhúng tay

Ở địa phương, UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn.

Trước đây, thịt kinh doanh tại TP.HCM không đảm bảo an toàn. Ảnh: Trần Ngọc

Trước đây, thịt kinh doanh tại TP.HCM không đảm bảo an toàn. Ảnh: Trần Ngọc

Và theo Bộ Y tế, hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam đã tiếp cận với phương thức quản lý ATTP tiên tiến của thế giới. Mặc dù Bộ Y tế đã nhận định như vậy nhưng khi đưa hệ thống pháp luật về ATTP vào thực hiện đã bộc lộ nhiều kẽ hở.

Tại hội thảo “Triển khai Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng, cho biết qua nhiều năm thực hiện quản lý ATTP ở địa phương thì mô hình ba ngành cùng quản lý chưa thực sự hiệu quả bởi sở, ngành chỉ chịu quản lý ATTP theo sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm được phân công. Điều này dẫn đến tình trạng không một sở, ngành nào quản lý chặt chẽ và chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xảy ra vụ việc liên quan ATTP.

“Đơn cử bún tươi, ngành NN&PTNT quản lý quá trình trồng lúa và ra gạo; ngành công thương quản lý quá trình sản xuất bún (từ gạo ướt, tinh bột, sợi bún); bún được chế biến tại nhà hàng, quán ăn thuộc trách nhiệm quản lý của UBND các cấp (do Bộ Y tế hướng dẫn quản lý)” - ông Hải dẫn chứng.

Do ba ngành cùng “nắm” cọng bún nên không ngành nào chịu trách nhiệm chính.

Chồng chéo quản lý nên “đẩy đưa trách nhiệm”

Mới đây, cũng do chồng chéo trách nhiệm và quản lý của ba ngành công thương, y tế và NN&PTNT nên đã xảy ra câu chuyện “vú heo Trung Quốc thành đặc sản vú bò, vú dê”.

Lực lượng của Ban An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ ở TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Lực lượng của Ban An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ ở TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo phân cấp, ngành NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý trong quá trình chăn nuôi, giết mổ heo... Ngành này còn chịu trách nhiệm kiểm dịch phụ phẩm động vật nhập khẩu. Vú heo đem ra thị trường thì chịu quản lý của ngành công thương. Ngành này còn chịu trách nhiệm phòng, chống gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm. Đến khi vú heo mang vô nhà hàng chế biến cho thực khách, công đoạn này lại do ngành y tế quản.

Vẫn còn ngộ độc thực phẩm và nhập lậu thực phẩm

Theo phân cấp, Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng và Bộ NN&PTNT quản lý 19 nhóm ngành hàng.

Ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, bệnh viện, trường học còn diễn biến hết sức phức tạp.

Tình trạng nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Ông NGUYỄN THANH PHONG, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Do cả ba ngành cùng “nắm” một vú heo nên không ngành nào có trách nhiệm chính. Bởi vậy mới có chuyện vú heo nhập lậu biến thành đặc sản nầm bò, vú dê là điều không tránh khỏi. Một vị công tác tại Cục Thú y (đề nghị không nêu tên) cho biết mỗi ngày cả nước giết mổ trên 24.100 con heo và gần 1.000 con bò, trâu.

Vị này phân tích: “Heo đực và heo cái mỗi con trung bình 12 vú, vị chi một ngày đưa ra thị trường khoảng 289.200 vú heo. Đối với bò, con cái có bốn vú còn con đực thì không. Cứ cho trong 1.000 con bò, trâu giết mổ mỗi ngày có 700 con bò cái thì vú bò đưa ra thị trường chỉ tầm 2.800 cái. Hiện cả nước có khoảng 440.000 nhà hàng và quán nhậu thì số vú bò nói trên chẳng thể cung ứng đủ, ngay cả vú heo cũng thể. Vú dê thì càng ít hơn”.

Không có vú bò, vú dê nhiều nhà hàng, quán nhậu thay bằng vú heo và trong nước không đủ nên phải nhập khẩu. Khi chế biến cho thực khách, vú heo nhập khẩu cũng hóa thành đặc sản vú bò, vú dê.

“Theo quy định, vú heo nhập khẩu phải được kiểm dịch. Nhưng vú heo nhập khẩu đã biến chất, chất lượng không an toàn nên người kinh doanh lén lút tuồn vào Việt Nam. Do ba ngành công thương, y tế và NN&PTNT cùng quản lý, cùng “đẩy đưa” trách nhiệm nên vú heo biến chất nhập lậu biến thành đặc sản vú bò, vú dê là điều không tránh khỏi” - vị này nói.

Bài 2: 6 năm thí điểm và cuộc chiến chống thực phẩm bẩn

Văn bản hướng dẫn không thống nhất giữa các ngành

Số lượng văn bản quản lý nhà nước về ATTP nhiều và do nhiều chủ thể ban hành nên đôi lúc gây khó khăn trong tra cứu, áp dụng phục vụ công tác quản lý ATTP của cơ quan quản lý và việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở.

Nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATTP cho từng lĩnh vực chưa đầy đủ, không thống nhất giữa các ngành, các lĩnh vực. Do vậy, gây ra tình trạng chồng chéo, bất cập giữa các ngành. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở thực phẩm.

SỞ Y TẾ TỈNH ĐẮK LẮK

Chồng chéo hướng dẫn lấy mẫu thực phẩm giữa hai bộ

Một số hướng dẫn từ bộ, ngành chậm ban hành, làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi pháp luật về ATTP tại địa phương.

Cụ thể, các văn bản hướng dẫn về kiểm soát thực phẩm an toàn tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… của ngành công thương; văn bản hướng dẫn tần suất kiểm tra ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm… của ngành y tế chưa được ban hành nên gây khó cho địa phương khi triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Chồng chéo giữa Bộ Y tế và Bộ KH&CN trong hướng dẫn việc lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra.

SỞ Y TẾ TỈNH NINH THUẬN

(Các ý kiến được trích tại hội thảo “Triển khai Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm