Phòng khám Glink (quận 10, TP.HCM) là một phòng khám tư nhân có chức năng xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS. Phòng khám cũng thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cộng đồng cho các nhóm yếu thế.
BS Trần Lê Viết Thanh, quản lý phòng khám, cho biết mỗi tháng Glink tiếp nhận trên 500 khách hàng mới, phát hiện 5-10 ca nhiễm HIV mới.
Sau khi phát hiện tình trạng nhiễm của mình, nhiều bệnh nhân đã hoảng loạn thật sự. Các nhân viên của phòng khám đã tư vấn, truyền thông cho bệnh nhân về HIV/AIDS. Nếu bệnh nhân điều trị tích cực bằng thuốc ARV kháng virus HIV, nồng độ virus HIV trong máu bệnh nhân sẽ giảm mạnh sau ba tháng, người nhiễm bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường. Khi đã điều trị từ sáu tháng đến một năm, bệnh nhân làm xét nghiệm đo tải lượng HIV không còn phát hiện. Như vậy, người nhiễm đã khỏe mạnh giống như người khác.
Một chuyên gia tư vấn cộng đồng tư vấn cho những bạn trẻ đi xét nghiệm HIV.
Sau bước tư vấn, phòng khám Glink sẽ chuyển gửi bệnh nhân đến các trung tâm y tế, các địa chỉ cộng đồng để bệnh nhân được điều trị, nhận thuốc miễn phí. Tuy nhiên, có khoảng 100 bệnh nhân đang điều trị lâu dài tại phòng khám này với yêu cầu được trả tiền thuốc chữa bệnh. BS Viết Thanh nói: “Họ không muốn đến các cơ sở y tế nhà nước vì ngại gặp người quen, sợ bị lộ thông tin, dễ bị kỳ thị”.
Một bệnh nhân cho biết anh theo đuổi điều trị bằng cách mua thuốc khá tốn tiền, gần 1 triệu đồng/tháng. Các nhà thuốc bên ngoài đều không bán thuốc ARV vì cơ sở y tế nhà nước đã và đang cấp thuốc miễn phí. Anh cũng không muốn ai biết tình trạng nhiễm của mình vì có thể gặp nhiều rắc rối, khó xử. Anh cũng cho rằng hiện nay người nhiễm HIV vẫn bị kỳ thị nên họ giấu tình trạng nhiễm. Nếu các bệnh nhân khác không biết các địa chỉ hỗ trợ, rất có thể họ sẽ bỏ xét nghiệm và điều trị. Thậm chí một số người không có nhiều tiền, đang là học sinh, sinh viên cũng chấp nhận “gồng” để trả tiền mua thuốc chứ không dám ra các trung tâm y tế công.
BS Nguyễn Anh Thuận, quản lý Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng sức khỏe nam giới và cộng đồng Carmah, cho biết một người khá nổi tiếng nhiễm HIV, sợ ảnh hưởng tới danh tiếng, anh chỉ mua thuốc có giá cao tại phòng khám cộng đồng. BS Nguyễn Anh Thuận nói: “Truyền thông lâu nay làm cho HIV trở nên đáng sợ, người nhiễm bị kỳ thị. Đến khi nào cộng đồng chúng ta nhận thức được HIV thật ra chỉ là một bệnh mạn tính, ít nguy hiểm và khó lây truyền hơn viêm gan C gấp nhiều lần thì người dân mới không phải lén lút đi xét nghiệm HIV”.
(Chuyên đề phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện)