Một thanh niên khác, còn rất trẻ (35 tuổi) cũng đã bị mù do phát hiện glôcôm ở giai đoạn muộn. Từ một viên chức, anh thanh niên này đã phải nghỉ việc, mày mò học chữ nổi, học các phần mềm máy tính dành cho người mù. “Bị mù do glôcôm là một điều thiệt thòi, không may mắn. Nhưng may mắn là người thân đã động viên để tôi tiếp tục thấy cuộc sống có ý nghĩa, khám phá cuộc sống mới của một người khiếm thị”.
PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Mắt TƯ cho rằng, vấn đề người dân tùy tiện dùng thuốc nhỏ mắt rất đáng báo động. Thực tế, thuốc nhỏ mắt có nhiều loại khác nhau, từ kháng sinh đến corticoid… và mỗi loại bệnh lại có chỉ định riêng. Tuy nhiên, người dân dễ dàng tự ý mua thuốc không có chỉ định, dẫn đến nhiều người dùng thuốc corticoid kéo dài, rất có nguy cơ gây bệnh glôcôm.
Theo thống kê BV Mắt TƯ năm 2009, bệnh nhân bị glôcôm góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%.
Theo một báo cáo mới nhất của Bệnh viện Mắt TƯ năm 2011 tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình: Tỷ lệ glôcôm trong một số cộng đồng dân cư nghiên cứu chiếm tới 2,2% (ở Nam Định) và 2,4% ( tại Thái Bình). Hầu hết người dân tham gia khám sàng lọc (94%) còn lơ mơ hoặc không nghe biết gì về bệnh glôcôm.
Tuân thủ điều trị - giảm nguy cơ mù lòa
Glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Tuy glôcôm không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nguy cơ mù loà do căn bệnh này bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.
Từ ngày 11/3 đến 16/3/2013, tại BV Mắt TƯ diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Glôcôm thế giới” năm 2013 với chủ đề “Đừng để bệnh glôcôm đánh cắp thế giới tươi đẹp của bạn!” Trong tuần lễ này, BV Mắt TƯ sẽ khám, tư vấn cấp thuốc miễn phí cho tất cả những bệnh nhân Glôcôm đã và đang được điều trị, theo dõi bệnh Glôcôm; khám sàng lọc và điều trị miễn phí bệnh Glôcôm cho người nghèo, đối tượng chính sách, thương bệnh binh, người khuyết tật. |
BS Đỗ Tấn, BV Mắt TƯ cho biết, nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực rất thấp, nguy cơ mù loà cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên nguy cơ tái phát rất cao. Qua theo dõi bệnh nhân glôcôm góc mở điều trị tại khoa, có tới 43% bệnh nhân có bệnh tiến triển nặng thêm và tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh glôcôm tăng dần theo từng năm: từ 5,4% (2004) đến 8,2% (2007) và 9,7% (2008). Vì thế, người bệnh cần tuân thủ điều trị để giảm nguy cơ mù lòa.
BS Đỗ Tấn cho biết, bệnh glôcôm thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh. Người bệnh thấy đột ngột đau nhức mắt dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng xuống còn đếm ngón tay hoặc bóng bàn tay. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt, mi mắt sưng nề, mắt đỏ theo kiểu cương tụ rìa, giác mạc phù nề mờ đục
Tuy nhiên, có những trường hợp bị mắc bệnh Glôcôm xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài, bệnh nên bệnh nhân không nhận thấy thị lực của mình đang giảm đi cho đến khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển với tổn hại nặng tới thị lực.
“Mục đích điều trị glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh nhân khi đã mắc bệnh glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sỹ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác”, BS Đỗ Tấn khuyến cáo.
Theo Hồng Hải (Dân trí)