Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo rất hẹp, có nhiều đoạn các thiết bị công trình kỹ thuật chưa được hoàn thiện, cộng với ý thức của người tham gia giao thông có thể tạo nên nhiều tình huống nguy hiểm. Là người thường xuyên di chuyển trên đoạn đường này có thể thấy rõ nhiều tình huống nguy hiểm. Đặc biệt khi xe lưu thông ở tốc độ cao, sự nguy hiểm đó càng tăng.
Thứ nhất, cao tốc không có đèn đường, mùa này đoạn Dầu Giây - Hàm Tân thường có mưa giông lớn. Khi di chuyển với tốc độ 120 km/giờ bất ngờ gặp mưa, gặp phương tiện đông vào cuối tuần (đặc biệt chiều tối Chủ nhật, xe từ Phan Thiết về TP.HCM rất đông). Tầm nhìn có lúc xuống còn vài chục mét, dải phân cách lại thấp nên các dòng xe sedan bị chói mắt bởi xe ngược chiều, khó có thể lái an toàn. Ba tuần trước, tôi đã chứng kiến hai ô tô húc vào đuôi nhau khi di chuyển theo hướng Phan Thiết - Dầu Giây ở đoạn gần Dầu Giây do trời mưa, xe đông.
Thứ hai, một số đoạn bị giảm tốc khá bất ngờ khi gần công trường thi công taluy, rào chắn. Nếu xe đi trước giảm tốc độ đột ngột, ở cự ly gần, xe sau có thể không giảm tốc độ kịp và tông vào đuôi của xe trước.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo rất hẹp, có nhiều đoạn các thiết bị công trình kỹ thuật chưa được hoàn thiện. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Thứ ba, tuyến đường Phan Thiết - Vĩnh Hảo chỉ có hai làn xe mỗi bên và không có làn dừng xe khẩn cấp (chỉ có dải dừng xe khẩn cấp xen kẽ), do vậy cảm giác lái rất chật, gây ức chế cho người điều khiển phương tiện.
Thứ tư, hiện các camera giám sát tốc độ chưa được lắp, việc giám sát tốc độ được thực hiện rất “xác suất” bởi lực lượng tuần tra của Đội tuần tra cao tốc thuộc Cục CSGT. Điều này khiến các tài xế thiếu ý thức tự giác, thường xuyên vi phạm. Nhiều xe lưu thông trên đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo với tốc độ 120-130 km/giờ.
Thứ năm, nhiều tài xế vượt xe không đảm bảo khoảng cách an toàn. Cụ thể, khi phía trước có chướng ngại vật, xe vừa né xong lại tiếp tục lách qua làn đường của mình để tránh đâm vào xe phía trước, tạo nên tình huống cúp đầu xe rất nguy hiểm. Nếu tài xế của xe bị cúp đầu phản xạ đánh lái sẽ có thể đâm vào hàng rào hộ lan.
Thứ sáu, cả đoạn Dầu Giây đi Vĩnh Hảo hơn 200 km hiện nay không có trạm dừng, tức là tài xế phải điều khiển xe ở tốc độ cao suốt 3 giờ mà không có nơi nghỉ ngơi (trừ dải dừng xe khẩn cấp). Việc này tạo nên sự căng thẳng, mệt mỏi, làm tăng nguy cơ tai nạn.
Từ những lý do và tình huống trên, đề nghị cơ quan chức năng, chủ đầu tư và đơn vị khai thác cao tốc khẩn trương hoàn thiện các hạng mục; lắp đèn đường ở một số đoạn có thể bị ảnh hưởng tầm nhìn do địa hình và thời tiết.
Bên cạnh đó, thiết bị giám sát và việc xử lý vi phạm cần được tiến hành sớm, nghiêm ngặt và thường xuyên trên cao tốc, tránh việc tài xế chủ quan và thiếu ý thức tự giác, vi phạm tốc độ, vượt xe sai luật, có thể gây tai nạn.
Cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa từ các vụ tai nạn
Trao đổi với PV, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho biết cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa từ các vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây rồi mới đưa ra kết luận. Hiện tại ông chưa thấy có hội viên nào phản ánh vấn đề này.
Tuy nhiên, muốn biết rõ nguyên nhân, theo ông, Ban An toàn giao thông quốc gia mới có đủ điều kiện nhân lực, vật lực để làm rõ vấn đề này. Và để biết nguyên nhân của một vụ tai nạn cần tìm hiểu từ các biên bản kết luận tai nạn giao thông của công an sở tại. Tai nạn đó xảy ra vì lý do gì, cầu đường, thời tiết, ánh sáng, phương tiện, chất lượng phương tiện kỹ thuật hay hành vi lái xe của tài xế. Tổng hợp tất cả trường hợp mới có thể xác định được nguyên nhân và đưa ra giải pháp phù hợp.
Ngoài vấn đề trên, ông cũng đề xuất tìm hiểu thêm về các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc đủ và phù hợp hay chưa. Bởi vì theo nguyên tắc, vận hành một đường cao tốc có những yêu cầu về các trạm dừng nghỉ ngay thời điểm thiết kế đường cao tốc hoặc ngay sau khi sử dụng đoạn cao tốc này.
Các trạm dừng này sẽ cung cấp các dịch vụ cho cả hành khách và tài xế gồm nhà vệ sinh, sửa chữa xe, xăng dầu và các loại nhu thiết yếu.
THY NHUNG