Nhiều nhà, đất công bị bỏ hoang, ế ẩm

Phó Chủ tịch UBND quận 10, bà Nguyễn Thị Thu Nga, nhận xét như trên trong buổi báo cáo Đoàn giám sát số 1 HĐND TP.HCM về khảo sát hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn quận 10, ngày 19-4.

Theo bà Nga, để xác định được giá nhà, đất theo giá thị trường thì phải so sánh với các giao dịch thành trên thị trường. Tuy nhiên, việc thu thập tài liệu này rất khó khăn hoặc nếu tìm được thì giá lại không đúng thực tế. “Do giá thẩm định không sát giá thị trường nên khi TP duyệt thì người dân không đồng ý mà yêu cầu phải theo giá thị trường, có khi gấp đôi giá được duyệt. Khi trình lại thì có khi chứng thư thẩm định đã lố hơn sáu tháng nên phải làm lại chứng thư để thẩm định lại” - bà cho hay. Quận 10 cho hay do vướng mắc khâu xác định giá đất mà có dự án hơn 10 năm chưa triển khai được như hẻm 133 Hòa Hưng. Dự án này thực hiện để giảm áp lực kẹt xe cho đường Cách Mạng Tháng Tám nên giải tỏa ba căn nhà. Do thời gian thực hiện kéo dài nên chi phí đầu tư của dự án ban đầu 15 tỉ đồng nay đã đội lên 19 tỉ đồng nhưng vẫn chưa xong.

“Kiến nghị phân cấp cho quận, huyện trong công tác thẩm định giá khi bồi thường giải tỏa và bán đấu giá các mặt bằng theo quy mô mặt bằng. Chẳng hạn bán đấu giá mặt bằng nhỏ hơn 500 m2 hoặc thực hiện dự án 30-45 tỉ đồng” - lãnh đạo UBND quận 10 đề xuất. Theo ý kiến của UBND quận 10, nên đẩy mạnh việc bán đấu giá các mặt bằng nhà, đất công, không bán chỉ định cho những đơn vị hợp tác xã đã thuê lâu năm. Phó Chủ tịch UBND quận 10, ông Vũ Tấn Khoa, cho rằng khi được cho thuê các đơn vị đã được nhiều ưu đãi vì giá cho thuê vốn khá thấp. “Việc bán chỉ định giúp các đơn vị này hưởng lợi nhiều hơn nữa. Do đó, cần thiết bán đấu giá để tránh thất thoát ngân sách” - ông Khoa đề nghị.

Được biết vướng mắc trong thẩm định giá cũng là vấn đề nhiều quận, huyện đang gặp phải theo báo cáo của các quận 7, 12…

Trong khi đó, vấn đề nổi cộm trong quản lý đất công tại quận 9 là tình trạng nhiều nhà, đất bỏ hoang không sử dụng. Báo cáo Đoàn giám sát số 2 HĐND TP, quận 9 cho biết ngôi chợ Tân Phú ở phường Tân Phú diện tích 5.475 m2 đã không hoạt động từ gần 15 năm và đến nay là một công trình hoang phế. Hay như khu đất “khủng” hơn 17 ha do Nhà nước quản lý trên đường Nguyễn Xiển, phường Long Trường cũng là bãi đất hoang. Hàng loạt địa chỉ nhà, đất công trên địa bàn quận 9 có diện tích khá lớn, từ 5.000 m2 đến 10.000 m2 nhưng chưa được khai thác đúng giá trị…

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết trên địa bàn quận này có 247 địa chỉ nhà, đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Phần lớn đất đai trên địa bàn quận 9 đã được kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận, lập và quản lý hồ sơ địa chính. Theo báo cáo của UBND quận 9, đối với các nhà, đất công vẫn còn một số chưa được sắp xếp, xử lý theo quy định hoặc chưa đúng mục đích, đang bị chiếm dụng không thu hồi được. Việc bán đấu giá cũng chậm so với tiến độ.

Tại buổi giám sát, các đại biểu HĐND TP cho rằng quận 9 cần phải rà soát lại các địa chỉ nhà, đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Đồng thời, rà soát các hợp đồng cho thuê đất để kịp thời điều chỉnh giá cho thuê vì mức giá cho thuê hiện nay đã quá lỗi thời. Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP, cũng đề nghị đối với những địa chỉ nhà, đất hiện còn bỏ hoang phải nhanh chóng đề xuất giải pháp đầu tư xây dựng hoặc bán đấu giá để tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội quận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm