Tất cả các bên bày tỏ lo ngại về luật chống khủng bố và hai dự luật mới của Bắc Kinh trong một nỗ lực chung nhằm gây áp lực lên chính quyền Bắc Kinh xem xét các luật này.
Luật chống khủng bố của Trung Quốc được hiểu như thế nào?
Reuters cho biết đại sứ Mỹ, Canada, Đức và Nhật Bản đã ký một lá thư và gửi đến Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn vào ngày 27-1 để bày tỏ lo ngại về luật chống khủng bố mới, dự luật an ninh mạng, và một dự luật về quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Trong một động thái tương tự, đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, Hans Dietmar Schweisgut, hôm 28-1 đã gửi một bức thư bày tỏ mối lo ngại về các luật và dự luật mới của Bắc Kinh.
Theo nội dung của hai bức thư, các luật về an ninh không gian mạng và chống khủng bố sẽ tạo ra quyền lực sâu rộng cho chính phủ Trung Quốc để chống lại các mối đe dọa, từ việc kiểm duyệt rộng rãi đến kiểm soát chặt hơn đối với một số công nghệ nhất định.
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc canh gác tại cổng vào ga xe lửa miền Nam ở Urumqi, Tân Cương. (Ảnh: Reuters)
Các nhà phê bình luật chống khủng bố của Trung Quốc nói rằng luật này có thể được hiểu theo cách là ngay cả những người phản đối không dùng bạo lực cũng có thể nằm trong trong định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố của Bắc Kinh.
Bốn vị đại sứ cho biết nội dung các phần của luật chống khủng bố mà Trung Quốc đã thông qua vào tháng 12-2015 là mơ hồ và có thể tạo ra "tình trạng không rõ ràng" cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, họ không chỉ rõ các nội dung nào.
Trong khi đó, đại sứ EU cũng mô tả nội dung các phần của luật mới này là “mơ hồ”. Cả hai bức thư đều bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc thực thi luật mới.
Hai dự luật gây lo ngại nghiêm trọng
Khi được hỏi về các bức thư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết tất cả quốc gia đang tăng cường nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố và ông hy vọng các nước khác sẽ tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.
"Luật Chống khủng bố sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp có liên quan và nó sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của các cá nhân có liên quan" - ông Hồng nói trong một cuộc họp báo. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết.
Hiện Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn chưa đưa ra bình luận.
"Trong khi chúng tôi công nhận sự cần thiết để mỗi quốc gia giải quyết những lo ngại về an ninh của mình, chúng tôi tin rằng luật mới có khả năng cản trở thương mại, sự đổi mới và vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc về việc bảo vệ quyền con người phù hợp với luật pháp quốc tế" - một phần nội dung bức thư do Reuters dẫn lại.
Trong một động thái để bảo vệ luật mới và các dự luật, Trung Quốc nói rằng các biện pháp như vậy, bao gồm kiểm duyệt gắt gao, là cần thiết để đảm bảo sự ổn định của một quốc gia hơn 1,3 tỉ người.
Đối với dự luật không gian mạng, tất cả năm đại sứ đều đặc biệt quan tâm đến những quy định mà đòi hỏi các công ty phải lưu trữ dữ liệu cục bộ và cung cấp các khóa mã hóa cho chính phủ Trung Quốc. Điều này làm các công ty công nghệ lo lắng vì nó có thể xâm phạm quyền riêng tư của họ và có nghĩa rằng họ phải bàn giao các sản phẩm sở hữu trí tuệ nhạy cảm cho chính phủ trên danh nghĩa an ninh.
Trong khi đó, dự luật quản lý tổ chức phi chính phủ (NGO) có thể sẽ cản trở việc trao đổi học thuật và các hoạt động thương mại. Đây được xem là các yếu tố rất quan trọng trong mối quan hệ của các nước với Trung Quốc.
Các nhà phê bình nói rằng dự luật có khả năng sẽ cản trở hoạt động của các tổ chức phi chính phủ khi yêu cầu những tổ chức này phải có các nhà tài trợ chính thức. Đồng thời, dự luật còn chuyển giao nhiều quyền cho cảnh sát để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.
Trong cả hai bức thư, các đại sứ đã yêu cầu Trung Quốc một lần nữa phải tham khảo ý kiến từ cộng đồng đối với hai dự luật này.