Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2, vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo về những vấn đề rủi ro liên quan đến kết cấu công trình cầu Thủ Thiêm 2 do thời gian tạm dừng thi công kéo dài.
Một số thiết bị có nguy cơ hỏng
Theo chủ đầu tư, liên danh nhà thầu thi công cầu Thủ Thiêm 2 có đánh giá về vấn đề rủi ro, bất lợi không thể lường trước được nếu công trình tiếp tục tạm dừng thi công.
Cụ thể, theo liên danh nhà thầu, nhịp cầu chính đã lắp đặt 11/17 đốt dầm thép và 35/56 bó cáp dây văng với thiết kế chỉ một trụ tháp (lắp đặt bất cân đối xứng). Tuy nhiên, cầu dây văng không thể tính toán để tồn tại ở trạng thái chưa hoàn thành trong khoảng thời gian dài. Chiều dài dầm (công xôn) của nhịp chính chưa hoàn thành có thể gây ra các chuyển động vặn/xoáy nhất định, tạo ra ứng suất không mong muốn trong kết cấu nhịp và trụ.
Các dây văng dài 80 m hiện nay chưa được lắp đặt thiết bị giảm chấn để chịu hiệu ứng dao động và có thể trầm trọng hơn do chịu chuyển động không mong muốn nêu trên.
Theo chủ đầu tư, hệ dầm thép gia công tại nhà máy ở Hải Phòng đã được vận chuyển vào Vũng Tàu và đã tổ hợp xong. Toàn bộ hệ dầm (mỗi đốt nặng trên 90 tấn) đặt trên gối kê trong tình trạng kho bãi không bằng phẳng, có thể dẫn đến biến dạng kết cấu thép do trọng lượng bản thân. Như vậy, hệ dầm này sẽ không sử dụng được cho công trình.
Chủ đầu tư còn cho hay các bó cáp đã lắp đặt mà chưa bơm sáp sẽ hư hỏng theo thời gian, ảnh hưởng trong môi trường thiên nhiên. Ngoài ra, dự án bắc qua tuyến đường sông lớn có thể xảy ra nguy cơ về sự cố hàng hải.
Cầu Thủ Thiêm 2 đang tạm ngưng thi công từ tháng 9-2020.
Ảnh: LINH PHƯƠNG
Sớm giải quyết mặt bằng
Đại diện chủ đầu tư cho biết thời gian qua, dự án phải thi công cầm chừng và tạm dừng thi công từ tháng 9-2020. Nguyên nhân là dự án chưa tháo gỡ được vướng mắc về thủ tục pháp lý, thanh toán hợp đồng BT và công tác giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, liên danh nhà thầu kiến nghị đến ngày 15-4 nếu không được thi công trở lại sẽ giải thể công trường. Đặc biệt, các thiết bị đặc chủng để thi công là giàn nâng sẽ được chuyển sang thi công công trường ở Singapore, còn thiết bị dây văng sẽ chuyển sang Nam Phi.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2018. Cầu Thủ Thiêm 2 nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm quận 1. Cầu có tổng chiều dài 1.465 m, trong đó phần cầu dài 885,7 m với sáu làn xe, có tổng vốn đầu tư 4.260 tỉ đồng. Dự án hoàn thành khoảng 70% nhưng phải tạm dừng thi công từ tháng 9-2020 do vướng bồi thường giải tỏa phía quận 1 với tổng diện tích khoảng 13.000 m2. |
Theo liên danh nhà thầu, việc di chuyển hai thiết bị trên sẽ gây bất lợi cho dự án vì giàn nâng đang là tải đối trọng để cầu đảm bảo cân bằng. Việc huy động trở lại các thiết bị này sẽ phải mất sáu tháng.
Do đó, chủ đầu tư kiến nghị UBND TP sớm có những giải pháp giải quyết khó khăn về thủ tục pháp lý. Cụ thể là thanh toán hợp đồng BT và hoàn thành giải phóng mặt bằng để tiếp tục thi công các hạng mục theo yêu cầu của nhà thầu. Đó là các hạng mục như tháp cầu, lắp đặt các đốt dầm đến trụ S1 và căng các bó cáp dây văng còn lại…
Về vấn đề trên, Sở GTVT TP.HCM cho hay hiện UBND quận 1 đã có văn bản xác định trong quý II-2021 sẽ bàn giao mặt bằng cho dự án. Sở GTVT sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan và nhà đầu tư nỗ lực để đưa công trình này vào khai thác trước 30-4-2022.•
Chậm một ngày, hiệu suất đầu tư giảm Chủ đầu tư đã có những đánh giá về rủi ro của cầu Thủ Thiêm sau khi ngừng thi công bảy tháng là hợp lý. Đây là động thái mang tính chất xã hội nhằm thúc đẩy sớm giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo tôi, trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình thi công phải cần có biện pháp tổ chức thi công thích hợp chứ không thể chỉ đổ trách nhiệm cho giải phóng mặt bằng hết được. Thực tế, suy luận logic theo cách chủ đầu tư công trình đã ngừng bảy tháng thì đến nay sản phẩm đưa ra đã có vấn đề (công trình hổng). Vì vậy, chủ đầu tư dự án cần có suy luận logic về trách nhiệm, biện pháp tổ chức thi công. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải có đánh giá lại toàn bộ công trình có đảm bảo chất lượng hay không, nếu không đánh giá sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, cầu Thủ Thiêm 2 chậm hoàn thành một ngày hiệu suất đầu tư sẽ giảm đáng kể về nhiều mặt. TP nên sớm thúc đẩy, giải quyết những vấn đề mà chủ đầu tư đang vướng mắc. Cần thiết làm nhanh, không thể gây thiệt hại về kinh tế - xã hội hơn nữa. Bởi chậm trễ sẽ có một loạt hệ lụy xảy ra như ùn tắc giao thông cục bộ, ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế, giao thông và sự phát triển của TP. TS PHẠM HÙNG, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam |