Ngoài nội dung quy định cụ thể số lượng cấp phó ở mỗi cấp, việc đề xuất bổ sung thêm thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận nhất.
Mỗi Bộ có không quá 5 thứ trưởng
Theo dự thảo Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi (tại điều 37 và 39), số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là 5; số lượng cấp phó của Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tối đa là 3; số lượng cấp phó của Vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ là 2.
Việc quy định số lượng cấp phó cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng quy định một Bộ có 5 thứ trưởng thì hơi “căng” vì có những Bộ đa ngành, lĩnh vực quản lý rộng. Nên chăng quy định “nếu vượt phải báo cáo thường vụ Quốc hội xin kiến” thì linh động hơn. Cũng theo ông Ksor Phước, quy định cấp phó ở Tổng cục là 3 cũng khá “căng” vì có những Tổng cục Biển (Bộ TNMT) quản lý hàng triệu km2 biển mà chỉ có vài phó, cần cân nhắc cho phù hợp.
Cùng vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đồng ý phải quy định cụ thể cấp phó ở mỗi cấp, tuy nhiên nên để một khung phù hợp để có đủ cấp phó thực hiện triển khai công việc. “Nếu quy định cấp Bộ không quá 5 thứ trưởng thì một số Bộ sẽ gặp khó khăn. Nhưng ghi nhiều quá thì Quốc hội cũng không đồng ý, không nuôi được”, bà Mai nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nên quy định mỗi Bộ không quá 5 thứ trưởng, trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công An có 6 thứ trưởng. Cấp Tổng cục không quá 4 phó, cấp Cục không quá 3 phó, cấp Vụ không quá 2. “Luật phải ghi chữ không quá, còn số lượng cụ thể thì do Chính phủ quy định để linh hoạt, phù hợp công việc cụ thể của từng Bộ. Không quá 5 phó có khi chỉ là 4 phó, có Bộ chỉ cần 3 thứ trưởng, nhưng có Bộ cần đến 5 thứ trưởng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đề xuất tăng quyền cho Thủ tướng
Mặc dù dự thảo Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi lần này không thể hiện, nhưng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình vẫn đề nghị nên bổ sung 4 thẩm quyền cho Thủ tướng như dự thảo Luật do Chính phủ trình ban đầu.
4 thẩm quyền đó gồm: Giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm;
Tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục Bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân; Phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu Phó Chủ tịch tỉnh;
Phê chuẩn, phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị nên ủng hộ bổ sung hai thẩm quyền đầu theo đề xuất của Chính phủ. Về thẩm quyền thứ 3, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Cần cân nhắc, nếu bổ sung thì phải ghi rõ trong luật khi tiến hành tổng động viên thì Thủ tướng được quyền gì, được thi hành biện pháp gì chứ không thể ghi chung chung”.
Về thẩm quyền cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội phân tích và cho rằng không cần bổ sung: “Bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch đều có tiêu chí, tiêu chuẩn và sẽ được thể hiện ở Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Còn theo quy trình, cấp ủy, chính quyền, HĐND địa phương thực hiện, Ban cán sự Đảng của Chính phủ cũng có ý kiến rồi trình xin ý kiến Bộ Chính trị và Ban Bí thư thì mới về làm quy trình”.