Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt và được đánh giá là một trong năm thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 1,76 triệu tỉ đồng, tương đương 42% GDP, tăng 30%. Nhiều doanh nghiệp lớn tham gia thị trường, tính thanh khoản cao.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt có nhiều thay đổi lớn.
Nhiều gương mặt mới
Nhìn vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán 2016 cho thấy có tới bốn đại gia lần đầu tiên lọt vào nhóm ngàn tỉ. Một nửa trong số đó là những doanh nhân kinh doanh lĩnh vực bất động sản. Số còn lại hoạt động trong ngành thép, bán lẻ, thủy sản, ô tô...
Đáng chú ý sau sáu năm liên tục nắm giữ ngôi vương trên sàn chứng khoán, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) Phạm Nhật Vượng (tổng tài sản tính theo giá trị cổ phiếu khoảng 30.410 tỉ đồng) đã rời vị trí này để nhường cho doanh nhân - luật sư Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC). Tổng tài sản tính theo giá trị cổ phiếu của ông Quyết đã lên tới con số 33.806 tỉ đồng. Với hàng loạt dự án bất động sản, FLC được xem là một trong số ít công ty kinh doanh địa ốc đình đám nhất trên thị trường này.
Một điều bất ngờ nữa là trong 10 gương mặt giàu nhất trên sàn chứng khoán năm vừa qua không thể không kể đến cái tên hoàn toàn mới. Đó là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (NVL). Ông Nhơn được xếp vị trí giàu thứ tư trên sàn chứng khoán với việc sở hữu khoảng 126 triệu cổ phiếu, tổng trị giá tài sản chứng khoán đạt 7.584 tỉ đồng.
Ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH), đã có bước nhảy ngoạn mục khi tăng thêm 13 bậc so với bảng xếp hạng của năm ngoái để có tên trong top 10 người giàu trên sàn chứng khoán năm 2016. Tổng tài sản chứng khoán của ông Hạ lên tới 2.435 tỉ đồng, tăng 1.761 tỉ đồng so với đầu năm. Công ty này nổi tiếng bởi kinh doanh bất động sản và xe đầu kéo.
nhiều gương mặt mới xuất hiện trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán đã đẩy nhiều đại gia quen thuộc ra khỏi nhóm này. Đơn cử như ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Địa ốc Phát Đạt; ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI.
Ông Trịnh Văn Quyết; Ông Đỗ Hữu Hạ; Ông Bùi Thành Nhơn
Còn nhiều tỉ phú ẩn mình
thống kê trên sàn chứng khoán cho thấy nếu năm 2015, chỉ cần giá trị tài sản đạt trên 1.550 tỉ đồng đã lọt vào top 10 người giàu nhất thì năm nay con số này phải tăng thêm tối thiểu 1.000 tỉ đồng mới giành vé để vào nhóm trên. Điều này cho thấy giá trị tài sản của doanh nghiệp Việt đang tăng một cách chóng mặt.
Lý giải vì sao chỉ trong thời gian ngắn mà trên sàn lại xuất hiện nhiều gương mặt mới nổi như vậy, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh phân tích: “Ngoài việc tăng cường phát triển các dự án kinh doanh, doanh nghiệp giàu lên nhanh còn nhờ thành lập ra các công ty con. Đặc biệt khi đưa công ty con lên sàn thì giá cổ phiếu tăng rất nhanh hoặc họ phát hành cổ phiếu, trái phiếu… rất nhiều. Giá trị tài sản công ty lớn mạnh chủ yếu nhờ vào giá cổ phiếu tăng”.
Cũng theo ông Phan Dũng Khánh, tiêu chí bình chọn người giàu nhất của nước ngoài khác với chúng ta. Cụ thể nước ngoài tính toán dựa trên tổng tài sản như giá trị vốn hóa của cổ phiếu trên sàn chứng khoán, các loại tài sản khác ngoài chứng khoán và cả những chứng khoán chưa niêm yết. Trong khi tại Việt Nam thì chỉ có thể dựa vào duy nhất giá trị vốn hóa của cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán để thống kê.
Ngoài ra tiêu chí đánh giá của các tổ chức nước ngoài còn phụ thuộc cả vào thời gian duy trì mức tài sản trong năm, mức độ minh bạch và cả “phong độ” của các tài sản ấy theo thời gian.
“Do đó nếu thống kê được giá trị tài sản của nhiều gương mặt doanh nhân khác thì có thể Việt Nam sẽ còn có nhiều tỉ phú nữa. Những doanh nhân này đang sở hữu khối tài sản rất lớn nhưng chưa thể tính toán chính xác giá trị tổng tài sản khi mà họ chưa niêm yết sàn chứng khoán” - ông Khánh đánh giá.
Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh cho rằng nước ngoài bầu chọn người giàu nhất dựa trên toàn bộ tài sản hữu hình và vô hình (thương hiệu bản quyền sáng chế, phát minh…) của doanh nghiệp.
Trong thế giới phẳng hiện nay thì những tài sản vô hình đó ngày càng quan trọng hơn. Trong khi chúng ta chủ yếu dựa trên tài sản hữu hình.
Giá trị niêm yết đạt 712.000 tỉ đồng Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, năm 2016 chỉ số VN-Index tăng 15%, HNX-Index tăng 0,8%. Tổng giá trị niêm yết đạt 712.000 tỉ đồng, tăng 22% và 590 mã trái phiếu với tổng giá trị niêm yết là 934.000 tỉ đồng, tăng 22,5%. Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt 348.000 tỉ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015. Năm đại gia nữ Kết thúc năm giao dịch 2016, trên sàn chứng khoán có 10 người có giá trị tài sản từ 2.500 tỉ đồng trở lên. Trong đó có sự góp mặt của năm đại gia nam, năm đại gia nữ giới với tổng tài sản đạt hơn 101.000 tỉ đồng. Ngoài những người đã đề cập trong bài, còn nhiều gương mặt khác cũng nằm trong top này. Đó là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát; bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup; ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động; bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup; bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát; bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. _____________________________ Khác biệt lớn nhất Ở Việt Nam, người giàu chủ yếu là trong lĩnh vực bất động sản, khai thác khoáng sản, chứng khoán... Không ít người giàu lên nhờ ăn chênh lệch giá bất động sản, chênh lệch giá tài nguyên mà không tạo ra đột phá để phát triển lực lượng sản xuất. Trong khi đó, những người giàu trên thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Larry Ellison… là những doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực khoa học công nghệ, họ đóng góp sự sáng tạo rất lớn cho xã hội loài người. Đó cũng chính là sự khác biệt lớn nhất giữa doanh nhân Việt với doanh nhân thế giới. TS LÊ ĐĂNG DOANH |