Nhiều tín hiệu tích cực từ APEC 2023

(PLO)- Tuần lễ cấp cao APEC 2023 kết thúc thành công với thông điệp mạnh mẽ về sự quyết tâm của các nền kinh tế thành viên cho sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại TP San Francisco (Mỹ) đã kết thúc thành công vào cuối tuần qua. Kỳ hội nghị đã thông qua các tuyên bố chung của Hội nghị Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 30 và của Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 34.

Thương mại tự do, năng lượng bền vững là tâm điểm

Trước khi các hội nghị diễn ra, Ban Thư ký APEC công bố báo cáo về những thách thức mà các nền kinh tế trong khối đang phải đối mặt: những rủi ro suy thoái từ lạm phát, nợ công, biến đổi khí hậu, sự phân mảnh về địa kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các vấn đề căng thẳng địa chính trị.

Kết thúc Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại Mỹ, các nhà lãnh đạo hẹn gặp lại tại kỳ APEC 2024 ở Peru và kỳ APEC 2025 ở Hàn Quốc. Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết Việt Nam đề xuất đăng cai các hoạt động của năm APEC 2027.

Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ giảm xuống còn 2,8% vào năm 2024, từ mức 3,3% được dự báo cho năm 2023. Tốc độ tăng trưởng GDP của APEC sẽ đạt trung bình 2,9% trong năm 2025 và 2026, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 3,2%.

Trước những dự báo này, các nhà lãnh đạo APEC đã đề ra nhiều mục tiêu và cam kết nhằm “giải phóng tiềm năng to lớn của khu vực chúng ta, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết mọi thách thức môi trường”.

Đầu tiên, cả hai tuyên bố chung đều khẳng định quyết tâm mang lại một môi trường đầu tư và thương mại tự do, cởi mở, công bằng, minh bạch và không phân biệt đối xử.

“Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó cốt lõi là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo một sân chơi bình đẳng nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư và thương mại thuận lợi” - theo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC đăng trên trang web của Nhà Trắng.

Theo giới phân tích, cam kết về thương mại tự do là một điểm đáng chú ý vì căng thẳng Mỹ - Trung (mối quan tâm bao trùm hội nghị APEC lần này) chủ yếu xoay quanh các cáo buộc bất bình đẳng thương mại và các biện pháp kiểm soát kinh tế từ hai bên.

Vấn đề thứ hai mà các nhà lãnh đạo APEC nêu lên trong tuyên bố chung là giải quyết tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu thông qua việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững với giá cả phải chăng.

Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước các áp lực rất lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, rất nhiều cuộc gặp song phương, đa phương và các diễn đàn xuyên suốt Tuần lễ cấp cao APEC đều xem khí hậu là vấn đề trọng tâm mà các nền kinh tế APEC cần giải quyết.

Phát biểu tại phiên họp ngày 16-11 của APEC, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi đầu tư vào công nghệ bền vững và nói rằng ông rất vui mừng khi phát triển bền vững được coi là ưu tiên hàng đầu của hội nghị năm nay.

“Có rất nhiều điều mà các nền kinh tế APEC có thể cùng nhau làm để đẩy nhanh tiến bộ về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các công nghệ mới phải được triển khai trên quy mô lớn để có giá cả phải chăng và không nền kinh tế nào có thể làm được điều này một mình” - kênh Channel News Asia dẫn lời ông Lý.

Ngoài ra, các tuyên bố của APEC cũng đề cập đến nền kinh tế kỹ thuật số với mục tiêu tạo nên “một môi trường đổi mới thuận lợi, toàn diện, cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử”.

Anh bai chinh P16 dang 20-11-2023-APEC 2023.jpg
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở TP San Francisco (Mỹ) ngày 17-11. Ảnh: AP

Tín hiệu tích cực cho thế giới

Giới phân tích đánh giá Tuần lễ cấp cao APEC mang lại ý nghĩa sâu sắc khi tìm được tiếng nói đồng thuận giữa 21 nền kinh tế thành viên, vốn đóng góp trên 60% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu. Đặc biệt, sự đồng thuận càng trở nên quan trọng trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu đang có nhiều biến động khiến việc tìm được tiếng nói chung ngày càng trở nên khó khăn.

“Trong vài ngày qua, chúng ta đã làm việc cùng nhau và tôi nghĩ đó không phải là cường điệu. Chúng ta đã làm việc cùng nhau để tìm cách xây dựng một nền kinh tế toàn diện, kiên cường và bền vững cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với các nhà lãnh đạo APEC về kết quả các hội nghị trong tuần lễ cấp cao của khối, tại ngày họp cuối cùng 17-11.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đánh giá tích cực về Tuần lễ cấp cao APEC năm nay, ghi nhận “sự cởi mở và toàn diện là đặc điểm nổi bật của hợp tác châu Á - Thái Bình Dương”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định các nhà lãnh đạo APEC sẽ giữ vững “cam kết thúc đẩy chủ nghĩa khu vực cởi mở, thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, đồng thời tăng cường hội nhập kinh tế trong khu vực” - theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

Nhiều chuyên gia cũng dành lời khen cho hội nghị năm nay vì đã chứng kiến những dấu hiệu tan băng trong quan hệ Mỹ - Trung, thể hiện qua loạt cuộc gặp của các quan chức hai nước, trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Biden và ông Tập.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định các cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung bên lề Hội nghị APEC đã gửi tín hiệu đến “phần còn lại của thế giới rằng chúng ta phải tìm cách hợp tác giải quyết những thách thức mà không quốc gia nào có thể tự mình làm được”.•

Về xung đột giữa Israel và Hamas

Bên cạnh tuyên bố chung của các lãnh đạo APEC, ngày 17-11, Mỹ đã ra tuyên bố của nước chủ tịch APEC 2023, theo hãng tin Reuters.

Liên quan đến xung đột Israel - Hamas, tuyên bố của chủ tịch APEC 2023 cho biết khối đã “trao đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Gaza”. Tuy nhiên, một số thành viên APEC không muốn đề cập đến cuộc xung đột này trong tuyên bố chung vì cho rằng “họ không nghĩ APEC là một diễn đàn để thảo luận các vấn đề địa chính trị”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm