Theo VBF, lạm phát Việt Nam hiện tại đang nằm trong tầm kiểm soát ở mức 2,5% trong năm 2015, do đó việc tăng lương tối thiểu gấp nhiều lần mức lạm phát là hoàn toàn không tương xứng với mức tăng chi phí sinh hoạt thực tế. Hơn nữa, mục tiêu tạo việc làm mới có thể bị chững lại bởi các nhà sản xuất và đầu tư nước ngoài sẽ xem xét, cân nhắc chuyển hoạt động kinh doanh, sản xuất đến Việt Nam. Mức tăng giá này sẽ đẩy lạm phát tăng cao, thậm chí giảm việc làm. Tình trạng trong khu vực của Việt Nam đối với việc thu hút đầu tư sản xuất, xuất khẩu từ nước ngoài sẽ bị giảm đi và thực tế việc thực hiện mức tăng lương tối thiểu trong các nước khu vực đã giảm đi rất nhiều. DN đã và đang tăng chi phí lao động, bao gồm các khoản đóng góp cho an sinh xã hội cao hơn và nhiều lợi ích bắt buộc hơn. VBF cho rằng các yếu tố tăng trưởng chi phí này cần được đưa vào cân nhắc. Những chi phí này dễ dàng tăng gấp đôi chi phí thực tế mà người lao động phải trả và chi phí này nhìn chung cao hơn các nước lân cận.
Tương tự, Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh cho rằng mức lương tối thiểu vùng tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, khả năng cạnh tranh và tồn tại của DN. Nếu không đưa mức lương hợp lý thì khả năng số DN tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sẽ dẫn đến ngừng hoạt động hoặc phá sản, có DN phải cơ cấu lại nguồn lao động khiến bộ phận lớn lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Cũng với nội dung trên, Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, Tiểu ban nhân lực và đào tạo, Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng đều kiến nghị Thủ tướng cần cân nhắc khi đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng 2016.
Trước đó, ngày 3-9, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu từ 11,6% đến 12,9% (mức tăng lương 250.000-400.000 đồng) tùy theo từng vùng để trình Chính phủ xem xét quyết định. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến về dự thảo trình Thủ tướng về mức tăng lương 2016.