HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ LẦN 3 VỀ BIỂN ĐÔNG

Nhiều tranh luận trên tinh thần khoa học

Hội thảo diễn ra trong hai ngày, chia làm bốn phiên, bàn về lợi ích của các bên trong và ngoài khu vực, những diễn biến gần đây ở biển Đông và tranh chấp trên biển Đông nhìn từ khía cạnh pháp lý quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao (đơn vị đồng tổ chức, cùng với Hội Luật gia Việt Nam), nhấn mạnh: “Trong năm qua, biển Đông đã chứng kiến rất nhiều biến chuyển. Cộng đồng khu vực và thế giới ngày càng quan tâm hơn đến biển Đông… vì biển Đông có ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển không chỉ của khu vực Đông Á mà của toàn thể châu Á-Thái Bình Dương và thế giới”. Ngoài ra, ông Quý cũng cho rằng từ một chủ đề được coi là nhạy cảm, biển Đông ngày càng được thảo luận chính thức rộng rãi hơn: Năm 2009, cả khu vực chỉ có ba hội thảo quốc tế về biển Đông, năm 2010 có bảy hội thảo và năm nay có tới 15 cuộc. Các đánh giá và kiến nghị của giới học giả tỏ ra “ngày càng thiết thực đối với việc giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển…, góp phần đưa biển Đông vào radar kiểm soát của cộng đồng quốc tế”.

Sau các bài tham luận, các phiên thảo luận trong ngày đã diễn ra khá sôi nổi với tinh thần cởi mở và tôn trọng học thuật. Có đại biểu cho rằng biển Đông thực sự mang ý nghĩa toàn cầu, việc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải là vấn đề quan trọng không chỉ đối với các nước trong khu vực, mà còn với nhiều nước trên thế giới. Các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ... đều có lợi ích, ở những mức độ khác nhau, liên quan đến biển Đông.

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới