Thực hiện chỉ đạo vào đầu tháng 3 của Chính phủ cùng yêu cầu từ thông báo vào cuối tháng 4 của tổng thư ký Quốc hội, Bộ GTVT đã tổ chức hoàn chỉnh dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi.
Bộ Công an cũng đang hoàn thiện dự luật về GTĐB
Dự thảo này giữ nguyên luật hiện hành và có phát triển thêm để giải quyết được nhiều vấn đề trong thực tiễn. Theo chương trình xây dựng luật năm 2020 của Quốc hội, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại hai kỳ họp thứ 10 và 11.
Đáng lưu ý là cũng ở thời điểm này, để thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ (về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2020), Bộ Công an đã chủ trì biên soạn, hoàn thiện dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB để Quốc hội cho ý kiến sau thời gian nêu ở trên.
Theo bộ công an, Luật GTĐB 2008 đã chưa đúng khi đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là trật tự, an toàn GTĐB (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật). Từ ý này, Bộ Công an đã tách phần về trật tự, an toàn GTĐB trong Luật GTĐB 2008 sang dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB.
Nhiều nội dung cùng có ở hai dự luật
Như vậy, đang có hai dự luật đều liên quan đến GTĐB do hai bộ GTVT và Công an cùng soạn thảo. Tuy Chính phủ có chỉ đạo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB không được trùng lặp, chồng chéo với Luật GTĐB nhưng các dự thảo mới nhất của hai bộ vẫn có nhiều nội dung bị trùng lặp.
Trong đó, mặc dù đã trình ra dự thảo 2 theo hướng tách phần về trật tự, an toàn GTĐB sang dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB theo chỉ đạo mới (tháng 7) của Chính phủ nhưng dự thảo 2 của Bộ GTVT vẫn có nhiều nội dung bị trùng với dự luật của Bộ Công an làm.
Có đến hai nội dung lớn bị trùng là các quy định về hệ thống báo hiệu và quy tắc GTĐB; về phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đầu tiên, trong 48 từ ngữ được dự thảo 4 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB giải thích thì có đến 28 từ ngữ đã có trong dự thảo 2 Luật GTĐB sửa đổi. Trong số này, có một khái niệm về ùn tắc giao thông mà thay vì để vào phần giải thích thì dự thảo 2 Luật GTĐB sửa đổi lại để vào chỗ khác.
Đơn cử, hai dự thảo luật đều cùng quy định thế nào là đường phố, đường cao tốc, đường ưu tiên, phương tiện GTĐB, ô tô chở người, ô tô chở hàng (ô tô tải), ô tô chuyên dùng, rơmoóc, sơmi rơmoóc, xe gắn máy, xe đạp điện…
Về các hành vi bị nghiêm cấm, trong 32 hành vi cụ thể mà đa phần liên quan đến việc điều khiển xe được dự thảo 4 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB đưa ra thì có bảy hành vi đang nằm trong dự thảo 2 Luật GTĐB sửa đổi (xem bảng).
Có hai nội dung lớn bị trùng là các quy định về hệ thống báo hiệu và quy tắc giao thông đường bộ; về phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: NGUYỆT NHI
Khác biệt chẳng qua do cách thức quy định
Quan trọng hơn, trong quy tắc GTĐB, hai dự thảo đều quy định chung như nhau rằng người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Cùng với đó, việc di chuyển trên đường bộ phải đảm bảo tuân thủ các quy tắc giao thông để không gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông khác… Hai dự thảo cũng có nhiều quy định tương tự về biển báo hiệu đường bộ và tín hiệu đèn giao thông.
Sự khác biệt giữa hai dự thảo chỉ là do cách thức quy định của hai bộ.
Chẳng hạn, do dự thảo 2 Luật GTĐB sửa đổi không quy định nhiều nội dung để đỡ trùng nên dự thảo 4 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB nêu chi tiết hơn về cách thức đi bộ, vượt xe, nhường đường cho xe xin vượt, chuyển hướng xe, lùi xe…
Quốc hội từng yêu cầu Luật GTĐB sửa đổi có sự kế thừa Theo Thông báo số 3571 ngày 24-4 của tổng thư ký Quốc hội, Luật GTĐB sửa đổi được thực hiện trên nguyên tắc kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB 2008. Theo đó, Luật GTĐB sửa đổi sẽ có bốn nhóm chính sách là: a) Quy tắc GTĐB; b) Kết cấu hạ tầng GTĐB; c) Phương tiện, người điều khiển phương tiện GTĐB; d) Hoạt động vận tải đường bộ. Ở thời điểm này, theo tờ trình ngày 30-7 của Bộ Công an, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB có bảy nhóm chính sách. Cùng với ba nhóm chính sách a, b, c nêu ở trên thì còn có bốn nhóm chính sách khác. Đó là: Tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc GTĐB; giải quyết tai nạn GTĐB; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm pháp lý; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn GTĐB. |
Về biển báo hiệu đường bộ, dự thảo 2 Luật GTĐB sửa đổi đưa ra năm nhóm. Gồm có: a) Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm; b) Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra; c) Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành; d) Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết; đ) Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn hoặc được sử dụng độc lập.
Trong khi đó, dự thảo 4 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB đưa ra tám loại. Ngoài năm loại giống nhau như trên thì có ba loại nữa. Đó là: Biển báo có tính chất tạm thời (được sử dụng trong tình huống cần tổ chức, điều khiển giao thông tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định phục vụ yêu cầu giải quyết các sự cố giao thông, thi công, sửa chữa đường…); biển báo có thông tin thay đổi (biển báo điện tử); biển báo hiệu trên đường cao tốc và đường đối ngoại.
Các hành vi bị cấm ở cả hai dự thảo luật - Cấm hành vi điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia GTĐB không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng. - Cấm hành vi điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định; lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới. - Cấm vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã… |
Nguy cơ xáo trộn và rối Liên quan đến trách nhiệm giải quyết một số công việc có liên quan đến GTĐB, dự thảo 4 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB có những quy định tăng quyền hạn của Bộ Công an, đồng thời giảm quyền hạn của Bộ GTVT. Theo đó, không chỉ là cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới như đang làm, Bộ Công an còn được giao thẩm quyền sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe. Đây là những việc mà Bộ GTVT đã, đang đảm nhận trong 25 năm nay. Trước mắt, có thể thấy là khi trách nhiệm cấp, đổi giấy phép lái xe được chuyển cho Bộ Công an, không chỉ nhiều cơ quan nhà nước bị thay đổi chức năng, nhiệm vụ, nhiều trung tâm đào tạo lái xe bị tác động mà trên hết là số đông người dân có thể bị phiền hà với các thủ tục có liên quan. Mối lo này không phải vô cớ, vì đến giờ vẫn chưa có cơ quan thẩm quyền nào lên tiếng rằng các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang được thực hiện theo hệ thống pháp luật hiện hành sẽ không phải thay đổi theo quy định mới của cơ quan phụ trách mới... Hiện tại, theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ mà Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, đến ngày 11-8, trong 19 thành viên Chính phủ được tham khảo ý kiến, có 11 người đồng ý giao Bộ GTVT thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và Luật GTĐB sửa đổi sẽ quy định việc này. Phải chờ một thời gian nữa mới có ý kiến chính thức của Chính phủ, còn trước mắt thì theo Văn phòng Chính phủ, việc quản lý, đào tạo lái xe và việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe có tính liên thông, cần được quản lý chặt chẽ. Cũng theo Văn phòng Chính phủ, không nên tách rời giữa đào tạo với sát hạch, cấp giấy phép lái xe như đề xuất đã nêu của Bộ Công an. Nếu Chính phủ cũng quyết định như thế về việc này thì dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB ắt phải làm lại nữa. |