Nhiều vấn đề cần làm rõ vụ tông cảnh sát giao thông

TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM vừa mở phiên tòa xét xử vụ án bắt nguồn từ việc hai thanh niên vi phạm giao thông, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy để trốn tránh việc xử lý vi phạm.

Chạy quá tốc độ, bỏ chạy vì sợ giam xe

Sáng 16-11-2020, Thạch Hồng Hải và Kiên Đại Vĩ (cùng sinh năm 2003) chở nhau bằng xe máy từ quê Trà Vinh lên TP.HCM làm thuê.

Đến xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, xe bị bắn tốc độ do chạy quá tốc độ cho phép. CSGT Phạm Tân Nhân nhận được thông báo, phát hiện Vĩ chạy xe đến nên từ trong lề đường đi ra, yêu cầu dừng xe. 

Hai bị cáo và luật sư bào chữa. Ảnh: TRẦN LINH

Theo cáo trạng, cách chỗ ông Nhân 5 m, Vĩ lách qua trái chạy đi, va vào người ông Nhân làm ông té xuống, văng 6,5 m rồi bất tỉnh, thương tích 36%.

Ban đầu, Hải và Vĩ bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, sau đó chuyển sang tội cố ý gây thương tích theo điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS.

Tại cơ quan điều tra (CQĐT) cũng như tại tòa, hai bị cáo đều khai khi thấy CSGT đi ra giữa đường, yêu cầu dừng xe, do lo sợ bị phạt tiền và giam xe nên đã lách qua trái nhằm tránh CSGT để bỏ chạy.

“Lúc này, CSGT di chuyển theo để chặn đầu xe. Do quá bất ngờ và quá nhanh nên vô tình bị cáo để xe va chạm CSGT chứ không cố ý hay có ý định tông xe vào CSGT” - Vĩ khai.

Riêng Hải (người ngồi sau) bị truy tố với tình tiết xúi giục, chủ mưu vì nói với Vĩ “chậm lại, trả số, lách trái, vượt qua luôn”. Hải khai: “Bị cáo nói vậy là để né xử phạt chứ hoàn toàn không kêu Vĩ chạy thẳng, tông vào CSGT”.

Ông Nhân vắng mặt tại phiên tòa. Theo lời khai của ông trong hồ sơ thì ông không lao theo chặn đầu xe mà bị xe của hai bị cáo tông vào để bỏ chạy...

Trong khi đó, bản ảnh hiện trường lại thể hiện có sự dịch chuyển vị trí của ông Nhân, tức ông Nhân đã rời khỏi vị trí mà ông đã đứng ban đầu (vị trí khi ra hiệu lệnh dừng xe).

Sau khi xem xét, HĐXX trả hồ sơ, yêu cầu cho bị hại và bị cáo đối chất để làm rõ sự thật vụ va chạm. Đồng thời vẽ sơ đồ hiện trường, xác định rõ vị trí ông Nhân đã đứng khi ra hiệu lệnh dừng xe để từ đó làm rõ có hay không việc ông Nhân lao theo chặn đầu xe của bị cáo.

Tội vi phạm quy định giao thông mới đúng?

Ở một vụ án khác tương tự vụ án này, TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao đã “chốt” phải xử lý về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Năm 2017, Trần Mạnh Thống lái xe vượt tải trọng lưu thông trên quốc lộ 1 hướng ngã tư Vũng Tàu về TP.HCM. CSGT ra hiệu lệnh dừng xe nhưng Thống không chấp hành. CSGT đuổi theo thì Thống dừng xe nhưng không xuất trình giấy tờ, sau đó lên xe chạy đi.

CSGT chạy bộ đuổi theo, khi đến ngang cabin thì nhảy lên đánh vỡ kính chiếu hậu, yêu cầu Thống dừng xe. Thống đánh lái để cho xe đi thẳng vào làn đường nên phần hông xe va chạm CSGT làm ông té xuống đường, bị bánh sau xe của Thống cán qua người, tử vong tại chỗ.

Ban đầu, Thống bị xử lý tội chống người thi hành công vụ. Sau đó, TAND Cấp cao xử giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để xử lại cho đúng tội danh.

Sau đó, TAND TP Biên Hòa và TAND tỉnh Đồng Nai kết án Thống năm năm sáu tháng tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã rút kinh nghiệm chung, chỉ ra những nhận định không chính xác của cấp dưới. Cụ thể là nguyên nhân chính làm CSGT tử vong là do Thống không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, điều khiển xe bỏ chạy để trốn tránh việc xử lý vi phạm.

Hành vi bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông đã vi phạm khoản 23 Điều 8, Điều 10 và Điều 11 Luật Giao thông đường bộ, dẫn đến hậu quả làm CSGT tử vong, đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với tình tiết định khung tăng nặng là “không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông”.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá không đúng các tình tiết khách quan và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả của vụ án, từ đó sai lầm trong việc định tội danh.

Không ghi âm, ghi hình khi hỏi cung

Tại tòa, luật sư bào chữa cho hai bị cáo cho rằng quá trình điều tra, điều tra viên đã không ghi chính xác lời khai của các bị cáo trong khi những lời khai này có lợi cho bị cáo. Luật sư đã phản đối việc “ghi nhầm” của điều tra viên nhưng hồ sơ lại không có băng ghi âm, ghi hình để chứng minh việc này.

HĐXX nhận định khi hỏi cung các bị cáo, CQĐT và VKS không cho ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cần bổ sung lời khai có ghi âm, ghi hình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm