Ngày 13-12, Khoa Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số vấn đề trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
Tham dự hội thảo có PGS. TS. Vũ Thị Hồng Yến (Trưởng Khoa Luật – Đại học Sài Gòn), Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ trẻ em TP.HCM), ông Nguyễn Đức Phước (Chánh án TAND quận Bình Tân), ông Nguyễn Huy Hoàng (Phó Chánh TAND Quận Gò Vấp), bà Võ Thị Hồng Mai (Phó Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Tây Ninh)...
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Quang (Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng Luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) năm 2014 (có hiệu lực vào ngày 1-1-2015) với nhiều sự thay đổi đã cơ bản giải quyết được các vấn đề về HNGĐ. Tuy nhiên, thực tiễn ghi nhận trong quá trình giải quyết, toà án cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Điều này xuất phát từ nhiều lý do nhưng một trong số nguyên nhân là từ việc các quy định của pháp luật vẫn còn chưa rõ, có khả năng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Vì vậy, TAND Tối cao đã ban hành dự thảo nghị quyết hướng dẫn nhiều vấn đề còn vướng mắc. Hội thảo này nhằm tạo diễn đàn cho các chuyên gia, những người làm công tác nghiên cứu pháp luật và những người làm thực tiễn góp ý cho các quy định trong dự thảo nghị quyết do TAND Tối cao ban hành được hoàn thiện và phù hợp.
Tiếp đến, ThS. Lê Thị Mận (Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày tham luận về “Sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết hướng dẫn một số vấn đề trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình - Đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết”.
Theo ThS Mận, sau nhiều năm thi hành, thực tiễn cho thấy việc xác định các tranh chấp, yêu cầu và giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình tại tòa án đã phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc. Theo ThS Mận, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.
Thứ nhất là do nhiều quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình được xây dựng mang tính nguyên tắc chung nhưng chưa được hướng dẫn bởi các văn bản dưới luật dẫn đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật thiếu thống nhất. Chẳng hạn, các quy định về sự kiện “sống chung” là căn cứ phát sinh quan hệ giữa cha mẹ dượng - mẹ kế với con riêng; luật định về quyền, nghĩa vụ nhân thân và tài sản vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình thiếu cụ thể gây khó khăn cho việc đánh giá, áp dụng pháp luật...
Thứ hai là một số quy định của Luật HNGĐ chưa đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được ban hành, sửa đổi những năm gần đây. Điều này dẫn đến thực tiễn giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình liên quan thiếu thống nhất.
Chẳng hạn, cơ chế về việc ghi tên cả hai vợ chồng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản thuộc sở hữu chung (mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng) của Luật HNGĐ thiếu đồng bộ với pháp luật liên quan và trên thực tế mới chỉ áp dụng được ở một mức độ nhất định đối với tài sản là bất động sản. Còn đối với những động sản chung khác phải đăng ký quyền sở hữu như ô tô, tàu thủy ... về cơ bản chưa thực hiện được gây khó khăn trong việc xác định, đánh giá tính chất tài sản cũng như việc giải quyết tranh chấp, yêu cầu phát sinh.
Thứ ba là trên thực tế, Luật HNGĐ năm 2014 được vận hành trong thực tiễn với khoảng thời gian khá dài nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản độc lập hướng dẫn áp dụng pháp luật đúng và thống nhất trong giải quyết các vụ việc phát sinh...
Từ những bất cập trên, theo ThS Mận, cần phải có văn bản độc lập để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể trong quan hệ, ổn định quan hệ xã hội. Do đó, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao được ban hành là hết sức cần thiết.
Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng còn vướng mắc về nơi cư trú của bị đơn để xác định thẩm quyền của tòa án. Phản hồi, bà Võ Thị Hồng Mai (Phó Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Tây Ninh) cho rằng thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn về nơi cư trú là nơi cư trú thực tế của bị đơn. Vì có 1 số trường hợp bị đơn không còn cư trú tại nơi thường trú nữa thì sẽ căn cứ vào nơi thường trú thường xuyên của bị đơn. Nếu bị đơn thường xuyên cư trú tại 2 nơi thì lúc này sẽ cho bị đơn lựa chọn...