Thông tư này có hiệu lực kể từ 1-3-2016, hướng dẫn thi hành một số quy định về xử lý kết hôn trái pháp luật, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu và nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn tại Điều 11, Điều 50, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Thông tư có chín điều hướng dẫn chi tiết về căn cứ hủy việc kết hôn trái luật; thụ lý đơn yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật; yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật; thủ tục xem xét về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu; xác định thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu; nguyên tắc giải quyết tài sản của chồng khi ly hôn.
Trong thông tư có một số nội dung đáng chú ý, chẳng hạn khi xem xét, giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, tòa phải căn cứ vào yêu cầu của đương sự và điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân quy định tại Điều 8 và Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 để quyết định. Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tòa xử lý như sau:
Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu tòa công nhận quan hệ hôn nhân thì tòa quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên có đủ điều kiện kết hôn.
Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì tòa quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Trường hợp có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa giải quyết thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến thời điểm hủy việc kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo quy định tại Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Trường hợp hai bên cùng yêu cầu tòa cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu cho ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì tòa giải quyết cho ly hôn…