Nhiều ý kiến muốn người mới đóng bảo hiểm không được nhận BHXH một lần

(PLO)- Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ LĐ-TB&XH cho biết có người chọn phương án 1, tức hướng đến việc cấm người lao động nhận BHXH một lần.

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra tới đây, Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thiện dự thảo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội để giải trình, tiếp thu ý kiến về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên hai phương án nhận BHXH một lần và nhờ Quốc hội quyết định.

Giữ chân người lao động đang tham gia BHXH

Tương tự kỳ họp thứ 6 của Quốc hội diễn ra vào cuối năm 2023, sau khi nghiên cứu, cơ quan soạn thảo tiếp tục đưa ra hai phương án nhận BHXH một lần.

Cụ thể, phương án 1, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành, người lao động không được rút BHXH một lần nữa.

Với phương án trên, cơ quan soạn thảo cho biết với nhóm được nhận BHXH một lần, nếu không thực hiện quyền nhận BHXH một lần sẽ được hưởng các quyền lợi như: Đóng đủ 15 năm được nhận lương hưu thay vì 20 năm như quy định hiện hành; khi đến tuổi hưu mà chưa đóng đủ 15 năm và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí (75 tuổi) được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình cho đến lúc đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Đặc biệt, các trường hợp trên được ngân sách Nhà nước đóng BHYT và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...

Người lao động đăng ký rút BHXH một lần. Ảnh: V.LONG

Trường hợp người lao động chọn nhận BHXH một lần thì đương nhiên mất cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.

Phương án 2, sau 12 tháng người lao động không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.

Theo cơ quan soạn thảo, cả 2 phương án trên đều có những ưu, nhược điểm. Tuy vậy, tất cả nhằm hướng tới mục tiêu, chủ trương Nghị quyết số 28/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, đó là đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài, an sinh xã hội bền vững cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau, hạn chế số người hưởng BHXH một lần.

Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ và nhận thấy rằng để mở rộng diện bao phủ BHXH nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết 28, tiến tới BHXH toàn dân thì cần phải thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp.

Chẳng hạn tới đây chúng ta cần như thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật có liên quan khác như hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt; đặc biệt sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm.

Song song đó, Nhà nước cần chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, hỗ trợ duy trì việc làm tránh sa thải lao động, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm… sớm giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Thêm vào đó, cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, những lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu. Từ đó từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của họ đối với tự bảo đảm an sinh cho bản thân và an sinh xã hội bền vững của đất nước.

“Vì vậy, đây là vấn đề lớn, nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ tiếp tục thống nhất trình và đề nghị Quốc hội xem xét quyết định lựa chọn một trong hai phương án nêu trên…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Nhiều ý kiến đồng thuận phương án 1

Trước đó, tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự luật đa số ý kiến cho rằng phương án 1 do Chính phủ trình có ưu điểm: Cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, cụ thể là không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia BHXH. Hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH, hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua.

Về lâu dài, phương án 1 sẽ góp phần giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy thông qua tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách Nhà nước sau này khi phải cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.

Điểm hạn chế của phương án 1 được các đại biểu chỉ ra là còn có thể có sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực…

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng dự thảo luật được xây dựng theo hướng cải cách mang tính cách mạng nhằm thể chế hóa toàn diện quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 28, do đó sẽ không thể tránh khỏi có sự khác nhau giữa các nhóm đối tượng trước và sau cải cách.

Về phương án 2, có ý kiến đại biểu đồng tình vì không tạo sự khác biệt lớn giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy với việc quy định người lao động chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng sẽ tạo cho họ có tâm lý bị giảm, hạn chế quyền lợi, điều này có thể dẫn đến tình trạng gia tăng đột biến số người đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi luật này có hiệu lực thi hành.

Thêm vào đó, phương án 2 cũng không giải quyết triệt để được việc rút BHXH một lần, không giải quyết được thực trạng một người có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, dự kiến tại kỳ họp thứ 7, diễn ra vào tháng 5 tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến riêng về vấn đề này bằng phiếu trước khi thông qua toàn bộ dự luật vào sáng 25-6.

Tại các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị cần thiết kế phương án 1 theo hướng: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ sau ngày 1-7-2025 thì vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần theo lộ trình giảm dần và chấm dứt vào năm 2030.

Bởi lẽ, đại biểu cho rằng khi đó theo dự báo và mục tiêu phấn đấu nước ta trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao, cơ cấu kinh tế, lao động đã có bước phát triển cao hơn, đời sống người lao động cũng ổn định hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới